Nằm trong hệ thống chùa Khmer Nam Bộ tại Sóc Trăng, chùa Chén Kiểu được biết đến là một trong số những ngôi chùa có phong cách kiến trúc “độc nhất vô nhị” để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách.
Chùa Chén Kiểu – Ngôi chùa Khmer độc đáo ở Sóc Trăng
Bạn đang xem: Chùa chén kiểu
Nét nổi bậc đặc trưng của ngôi chùa này là ở những bức tường. Không phải được tô xi măng thẳng đều, hay lát gạch bông hay sơn màu như những ngôi chùa khác. Tường của ngôi chùa này được ốp bởi những mảnh chén, dĩa, sành sứ nhìn rất độc đáo nhưng vô cùng thẩm mỹ đẹp lạ.
Chùa Chén Kiểu còn gọi là chùa Sà Lôn thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nằm ngay quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km, theo hướng từ thành phố Sóc Trăng đi Bạc Liêu.
Chùa Chén Kiểu còn gọi là chùa Sà Lôn
Chùa có tên Khmer là Wath Sro Loun, để dễ phát âm nên từ Sro Loun được đọc chại thành Sà Lôn. Sro Loun có nguồn gốc từ chữ Chro Luong – là tên của 1 con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa.
Năm 1815, chùa Chén Kiểu bắt đầu xây dựng bằng các vật liệu lá cây, gỗ, đất… như bao ngôi chùa Khmer khác . Trong thời gian chiến tranh, dưới sức tàn phá của bom đạn, ngôi chánh điện của chùa bị hư hại nặng. Đến năm 1969, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay, gồm: Chánh điện, sala, tháp bảo, nơi để sách kinh,… Trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, dĩa từ bà con trong phum, sóc để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng. Cũng từ đó, chùa còn được nhân dân biết đến với tên gọi thứ hai: “Chùa Chén Kiểu”.
Chùa Chén Kiểu bắt đầu được xây dựng từ năm 1815
Các nghệ nhân Khmer đã khéo léo tận dụng số chén, đĩa này để trang trí các bức tường, cột tháp, tạo nên một công trình kiến trúc hài hòa, ấn tượng. Những đồ còn mới được ốp trực tiếp lên tường, hay làm thành những con tiện hàng rào bao quanh các dãy hành lang hay tay vịn cầu thang, còn những đồ đã vỡ hay sứt mẻ được sắp xếp và ghép thành các hoa văn trang trí lạ mắt.
Hoa văn trang trí lạ mắt từ chén, dĩa kiểu.
Ấn tượng đầu tiên khi vào chùa chính là cổng tam quan với 3 ngôi tòa tháp được chạm khắc hoa văn và màu sắc rực rỡ theo phong cách truyền thống Angkor Campuchia. Trong ba ngọn tháp, nổi bật với tháp giữa bên trong có lồng kính, tôn trí một pho tượng Phật ngồi uy nghi.
Cổng chùa theo phong cách truyền thống Angkor Campuchia.
Xem thêm: Nhà xe Trường Sơn đưa đón sân bay Nội Bài – Nam Định – Ninh Bình
Chung quanh chùa là tường rào trang trí hình tượng tiên nữ Apsara đang múa, tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng. Hai bên cổng vào có 2 tượng sư tử đá, mặt hướng ra đường như bảo vệ ngôi chùa. Trên thành cổng có dòng chữ Khmer và chữ quốc ngữ: “Chùa Sà Lôn (Chén Kiểu)”.
Khuôn viên rộng rãi nhiều cây xanh
Dọc lối vào chùa là 2 hàng tượng thần Kâyno (kerno), đây là những bức tượng có khuôn mặt tiên nữ Apsara – tượng trưng cho sắc đẹp vĩnh hằng và thân hình chim thần Garuda – tượng trưng cho sức mạnh. Khuôn viên chùa Chén Kiểu rất rộng với nhiều cây xanh thoáng mát, tạo cho du khách cảm giác thật thoải mái.
Tượng Phật Nằm trong khuôn viên chùa
Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, nóc chùa Chén Kiểu gồm 3 mái so le, mái trên cùng nhỏ hơn hết. Ở gờ mỗi lớp mái đều có trang trí hoa văn, họa tiết, các tượng truyền thống của văn hóa Khmer, mang ước vọng an lành và siêu thoát.
Nóc chùa Chén Kiểu gồm 3 mái so le, mái trên cùng nhỏ hơn hết
Mái trên hình tam giác được trang trí đẹp như tấm thảm nhiều màu sắc phơi mình giữa bầu trời. Hai đầu đao ở hai bên cong vút như có sự giao cảm tâm linh với đấng cứu rỗi cho linh hồn con người, phù hộ độ trì cho chúng sinh được an bình, lạc nghiệp.
Mặt tiền Chánh điện
Kiến trúc nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất ở mặt đứng ngôi chánh điện chính là trên các đầu cột được trang trí hình tượng nữ thần có cánh Kâyno. Các tượng nữ thần Kâyno này ở tư thế vươn lên đỡ lấy diềm mái, tạo sự chuyển tiếp giữa phương đứng của các cột và phương ngang của mái.
Phù điêu nữ thần Kâyno dưới mái chùa
Chính điện chùa rộng rãi, thoáng mát, với 16 hàng cột to. Quanh các cây cột đều được chạm khắc, đắp nổi các hình ảnh trong truyền thuyết văn hóa Khmer. Hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể câu chuyện đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho đến khi đắc đạo. Các bức tường, tranh càng đặc biệt hơn khi được trang trí, tạo hình bằng mảnh vỡ chén, dĩa kiểu.
Bức tường với hoa văn nổi bật đẹp mắt
Đang hot: 15 Khu resort gần Sài Gòn giá rẻ đẹp có hồ bơi cho cặp đôi, gia đình
Gian thờ là một quần thể gồm 20 tượng phật lớn nhỏ, với nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi, được bố trí hợp lý, mỹ thuật. Khói hương nghi ngút, ánh sáng của các ngọn nến lắt lay theo từng cơn gió nhẹ làm cho ngôi chùa vốn đã tôn nghiêm lại càng tôn nghiêm hơn.
Bên trong chánh điện
Giữa sân Chùa Chén Kiểu là cột cờ, với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu khá sinh động, nhằm nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Đức Phật khi người tọa thiền. Rắn thần Nagar là mô típ trang trí quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc của Phật giáo Khmer. Người Khmer Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung, chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Ấn Độ, vì thế Phật giáo Tiểu thừa là tôn giáo chính, chi phối đời sống tinh thần của họ. Chính vì vậy, họ chỉ thờ Phật Thích Ca, mà không thờ các vị Quan âm hay Bồ Tát khác. Hơn nữa, người Khmer tin rằng tổ tiên của họ là mẹ rắn, nên có tín ngưỡng thờ rắn và hình tượng rắn thường xuất hiện trong chùa.
Giữa sân là cột cờ
Phía sau chùa là Khu vườn Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết bàn của đức Phật Thích Ca.
Chùa Chén Kiểu là một ngôi chùa nổi tiếng tại Sóc Trăng, là địa điểm hành hương tâm linh không thể thiếu đối với đời sống của người dân và cộng đồng người Khmer. Là chốn linh thiêng để người dân tìm đến sự an lành thanh tịnh. Đến với chùa Chén Kiểu, ngoài việc ngắm nhìn kiến trúc độc đáo của chùa, du khách còn có dịp tìm hiểu văn hóa của người dân Khmer.
Chùa Chén Kiểu thu hút đông đảo giới trẻ đến check-in
Với những bạn yêu thích khám phá hay check-in với những công trình kiến trúc cổ kính thì đây là một địa điểm lý tưởng. Mọi góc trong ngôi chùa đều có thể trở thành back-ground đậm chất nghệ thuật để có những bức hình ngàn like, đảm bảo khi lên ảnh sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Mọi góc trong ngôi chùa đều có thể trở thành back-ground đậm chất nghệ thuật
Khi đến tham quan ngôi chùa, ngoài được ngắm nhìn tác phẩm sáng tạo tuyệt vời, du khách còn thoải mái thưởng thức các món đặc sản của Sóc Trăng được tiểu thương bày bán bên cạnh ngôi chùa. Từng quầy hàng được sắp xếp theo khu vực rất đẹp mắt, có thể kể đến như: khô cá các loại, rau, củ quả tươi do nông dân xã Đại Tâm trồng và các sản phẩm khác của các địa phương trên địa bàn tỉnh quy tụ về đây phục vụ người tiêu dùng.
Tham khảo: Kinh nghiệm du lịch biển Cà Ná Ninh Thuận đầy đủ và chi tiết nhất
Ý kiến bạn đọc (0)