Homestay

Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình | Chuyên trang tin tức, đánh giá, tư vấn homestay ở Việt Nam

405
Nội dung bài viết

Giới thiệu về Quảng Bình

Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình Đồng Hới những năm đầu thế kỷ 20 (Ảnh – manhhai)

Quảng Bình (các tên gọi cũ khu vực này gồm: Bố Chính, Tân Bình, Lâm Bình, Tiên Bình, Tây Bình) là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Quảng Bình nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều Đông – Tây của dải đất hình chữ S của Việt Nam (50 km theo đường ngắn nhất tính từ biên giới Lào ra biển Đông).

Khu vực này đã thuộc về Đại Việt sau cuộc chiến tranh Việt Chiêm 1069. Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia cắt tại sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình.

Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình Tp Đồng Hới ngày nay (Ảnh – review.vnhomestay.com.vn)

Dải đất Quảng Bình như một bức tranh tuyệt đẹp, có rừng, có biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: đèo Ngang, đèo Lý Hòa, bãi biển Nhật Lệ, Bãi Đá Nhảy, Cổng Trời… và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đây cũng được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam.

Tháng 1 năm 2009, báo Los Angeles Times của Mỹ đã chọn Đồng Hới và vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vào danh sách 29 điểm đến trong năm 2009. Năm 2014 cùng với Động Sơn Đoòng, Quảng Bình đã được The New York Times bầu chọn là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Quảng Bình cũng được nhiều tờ báo nổi tiếng bầu chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn và giá rẻ.

Nên đi du lịch Quảng Bình vào thời gian nào?

Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình Mùa hè đi du lịch Quảng Bình thì rất đẹp để ảnh ọt, mỗi tội nắng với nóng kinh hồn (Ảnh – review.vnhomestay.com.vn)

Quảng Bình nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa và luôn bị tác động bởi khí hậu của phía Bắc và phía Nam và được chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau trong đó mưa nhiều nhất vào khoảng từ tháng 9-11. Mùa khô từ tháng 4 đến tháng 8 trong đó các tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 6, 7 và 8.

  • Thời gian thích hợp để đi Quảng Bình nhất vào khoảng tháng 4-5, thời điểm này trời không mưa quá nhiều nhưng cũng không quá nắng nóng.
  • Nếu thích các hoạt động dưới nước, các bạn có thể đi hẳn vào khoảng tháng 6-7 cho thích, trời nắng nóng với nhiệt độ cao thời điểm này mà được vùng vẫy trong dòng nước mát lạnh sẽ thật tuyệt.
  • Thời điểm cuối năm từ tháng 9-11 thường là thời gian bão bắt đầu dịch chuyển dần vào miền Trung, nếu đi du lịch Quảng Bình vào thời gian này, các bạn chú ý cần theo dõi dự báo thời tiết để đảm bảo an toàn.

Hướng dẫn đi tới Quảng Bình

Phương tiện cá nhân

Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình Trong hành trình tới Quảng Bình, nếu đi từ Hà Nội các bạn chỉ có thể tiết kiệm được chút thời gian khi di chuyển trên tuyến cao tốc Ninh Bình (Ảnh – review.vnhomestay.com.vn)

Những bạn nào muốn xuyên việt thì phương tiện cá nhân tương đối phù hợp. Cách Hà Nội khoảng hơn 500km và Sài Gòn chừng 1200km, Quảng Bình sẽ luôn là lựa chọn tuyệt vời trong hành trình dài của các bạn. Xuất phát từ đâu thì các bạn cũng chỉ cần bám theo QL1A để di chuyển, nếu chạy từ Hà Nội chừng 2 ngày có thể có mặt ở Quảng Bình, từ Sài Gòn sẽ lâu hơn phụ thuộc vào số điểm dừng trên hành trình mà các bạn lựa chọn.

Phương tiện công cộng

Tàu hỏa

Giao thông đường sắt Quảng Bình có tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua tỉnh tổng cộng 174,5 km (dài nhất nước) với 19 ga trong đó có ga Đồng Hới là một trong 8 ga chính của cả nước và ga Đồng Lê có tàu Thống Nhất dừng đỗ đón trả khách.

Từ Hà Nội và Sài Gòn đi Đồng Hới hiện tại có các chuyến tàu Thống Nhất Bắc Nam, các chuyến tàu đi Đà Nẵng chạy qua với nhiều lựa chọn thời gian để các bạn quyết định. Nếu muốn lên tàu vào buổi tối và đến Đồng Hới vào buổi sáng các bạn có thể lựa chọn tàu SE3 đi từ Hà Nội lúc 19h30 và tới Đồng Hới lúc 5h20, tàu SE19 đi từ Hà Nội lúc 20h10 và đến Đồng Hới lúc 6h00. Hợp lý nhất là đi chuyến lúc 6h sáng (SE7) sẽ đến Đồng Hới lúc khoảng 16h30, vừa khớp thời gian nhận phòng khách sạn. Với chiều từ Sài Gòn, các bạn có thể chọn tàu SE6 đi từ Sài Gòn lúc 9h00 và tới Đồng Hới lúc 8h27, tàu SE12 đi từ Sài Gòn lúc 7h55 và tới Đồng Hới lúc 9h26.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 7/2021)

Máy bay

Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình Các chuyến bay đi và đến Quảng Bình sẽ khởi hành tại sân bay Đồng Hới (Ảnh – phung trung hien)

Hiện tại, nếu muốn đến Quảng Bình bằng máy bay các bạn có thể di chuyển từ 1 trong 3 thành phố là Hà Nội, Sài Gòn và Hải Phòng. Từ Hà Nội hàng ngày đều có các chuyến bay đến Đồng Hới của Vietnam Airlines và Vietjet. Từ Sài Gòn, các chuyến bay của Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet sẽ đưa các bạn tới Đồng Hới sau khoảng 1h30 phút bay. Từ Hải Phòng, duy nhất chỉ có hàng Jetstar với 3 chuyến bay 1 tuần giữa 2 chiều Hải Phòng – Đồng Hới (hiện đang tạm dừng khai thác từ tháng 10-2017)

Ô tô

Quảng Bình là đầu mối giao thông, nằm ở trung điểm và nơi hẹp nhất của Việt Nam với khoảng cách chưa đến 50 km từ mép biển Đông đến biên giới Việt – Lào. Giao thông đường bộ có Quốc lộ 1A dài 122 km, Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông dài 200 km và nhánh Tây dài 197 km, Quốc lộ 12A, Quốc lộ 12C, Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15A. Hiện tại, để đi Quảng Bình bằng xe giường nằm các bạn có thể lựa chọn một số nhà xe có tuyến khai thác trực tiếp tới Đồng Hới, hoặc sử dụng những tuyến xe open bus chạy qua một số các địa điểm du lịch khác dọc miền Trung và dừng lại ở Quảng Bình.

Xem thêm bài viết: Xe open bus đi Quảng Bình (Cập nhật 7/2021)

Đi lại ở Quảng Bình

Xe máy

Phương tiện thoải mái nhất khi du lịch Quảng Bình có lẽ là xe máy, nếu các bạn không ngại cái nắng của miền Trung thì xe máy là phương tiện cơ động nhất để bạn có thể di chuyển quanh Đồng Hới, khám phá các địa điểm du lịch và các món ăn ở Đồng Hới. Với các địa điểm xa hơn như Suối Mọoc, Động Phong Nha… các bạn có thể sử dụng phương tiện công cộng hoặc đặt mua tour ngắn ngày, việc đi xe máy tới các địa điểm xa như này có lẽ không phù hợp lắm.

Xem thêm bài viết: Các cửa hàng cho thuê xe máy ở Quảng Bình (Cập nhật 7/2021)

Xe điện

Ở Đồng Hới, hiện tại có dịch vụ xe điện đưa khách đi dạo quanh thành phố khá hay. Với mức giá khoảng 200-250k nếu đi ít người (2-3 người) xe điện sẽ đưa các bạn đi một vòng các điểm tham quan ở Đồng Hới như bãi biển Nhật Lệ, cầu Nhật Lệ, biển Bảo Ninh, Thành cổ Đồng Hới, Quảng Bình Quan, Tượng đài Mẹ Suốt. Ở các địa điểm này xe đi chậm hoặc dừng hẳn để các bạn có thể thoải mái chụp ảnh, với những bạn đi nhóm đông, gia đình có trẻ nhỏ thì loại phương tiện này khá hợp lý. Xe điện thường đỗ ở bên ngoài các khách sạn dọc đường Trương Pháp, hoặc nếu khách sạn bạn ở không có, bạn có thể xin số điện thoại từ bất cứ một xe điện nào đang chạy trên đường.

Xe buýt

Mạng lưới xe buýt ở Quảng Bình còn khá nhỏ với chỉ 3 tuyến đang hoạt động, tuy nhiên trong 3 tuyến này lại có một tuyến chạy thẳng từ Đồng Hới vào tới Phong Nha Kẻ Bàng nên với các bạn đi du lịch một mình và cần phương tiện đi lại giá rẻ, ngoài việc thuê xe máy còn có thể sử dụng tuyến xe buýt này để di chuyển vào trung tâm khu Phong Nha. Tuyến xe buýt ký hiệu B4, xuất phát từ Đồng Hới và dừng tại Phong Nha, chuyến đầu tiên khởi hành lúc 5h30, chuyến cuối cùng khởi hành lúc 17h30. Ở trong Tp Đồng Hới có thể bắt xe ở đường Trương Pháp, Nguyễn Du, cầu Nhật Lệ 1.

Taxi

Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, người già, hoặc không thể đi bằng xe máy thì phương tiện di chuyển khi đi lại trong Tp Đồng Hới và các địa điểm du lịch ở Quảng Bình có thể là taxi. Một số hãng taxi hiện đang hoạt động ở Quảng Bình như sau:

  • Taxi Mai Linh 0356816765
  • Taxi Đồng Hới 0356816765
  • Taxi Xuyên Việt 0356816765
  • Taxi Quảng Bình 0356816765
  • Taxi Tiên Sa 0356816765

Thuê xe ô tô Đồng Hới – Phong Nha

Từ trung tâm Tp Đồng Hới đi Phong Nha khoảng hơn 40km, với những bạn không thể đi xe máy và xe buýt, nhất là gia đình có trẻ nhỏ và khá nhiều đồ đạc thì thuê một chuyến xe 4 chỗ đi từ Đồng Hới đến Phong Nha có lẽ sẽ là phương án tối ưu nhất. Giá thuê xe 4 chỗ Đồng Hới – Phong Nha có khá nhiều mức, đi taxi bấm đồng hồ khoảng hơn 500k, thuê xe riêng của các công ty du lịch vào khoảng từ 600-900k, nếu thoả thuận được mức giá với một lái xe taxi nào đó thì mức giá chỉ khoảng 400k cho 1 chiều.

Lưu trú tại Quảng Bình

Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển của du lịch Quảng Bình, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng, đặc biệt là hệ thống các khách sạn tư nhân, bên cạnh đó là một số homestay và farmstay (chủ yếu tập trung tại khu vực Phong Nha).

Khách sạn/Resort

Hiện nay, Quảng Bình đã có khoảng gần 300 cơ sở lưu trú trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 22 khách sạn 2 sao và 28 khách sạn 1 sao. Cùng với đó là rất nhiều khách sạn không được xếp hạng nhưng vẫn luôn sẵn sàng để phục vụ du khách. Số lượng khách sạn này tập trung chủ yếu ở Tp Đồng Hới, nơi mà hầu hết du khách đều đặt chân đến đầu tiên khi tới Quảng Bình.

Xem thêm bài viết: Khách sạn giá rẻ ở Đồng Hới (Cập nhật 7/2021)

Nhà nghỉ

Chiếm phần lớn trong số các cơ sở lưu trú ở Quảng Bình là những nhà nghỉ bình dân, nhà nghỉ giá rẻ trải rộng và rải rác trên khắp địa bàn tỉnh. Những nhà nghỉ này thường do các hộ gia đình đầu tư kinh doanh, quy mô có thể không lớn bằng một số khách sạn nhưng cũng có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản mà bất cứ du khách nào cũng cần.

Xem thêm bài viết: Danh sách nhà nghỉ ở Quảng Bình (Cập nhật 7/2021)

Homestay

Tại những khu vực du lịch phát triển như Phong Nha, thành phố Đồng Hới, các cơ sở homesstay đang phát triển nhanh chóng, thích ứng với nhu cầu của đối tượng khách lẻ, khách “ba lô”… Nếu các bạn muốn một chuyến du lịch giá rẻ, nhất là lại đi với số lượng ít người thì lựa chọn homestay là một trong những phương án phù hợp nhất.

Xem thêm: Danh sách homestay ở Quảng Bình (Cập nhật 7/2021)

Các địa điểm du lịch ở Quảng Bình

Quảng Bình là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng và giàu tài nguyên phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam, đặc biệt Quảng Bình sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với hệ thống hơn 300 hang động lớn nhỏ có giá trị hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Quảng Bình có đường bờ biển dài 116 km với nhiều bãi tắm đẹp và nhiều món ăn hải sản độc đáo cùng với các di tích lịch sử, di sản văn hóa đặc trưng, con người Quảng Bình thân thiện, chăm chỉ và mến khách

Đồng Hới

Cầu Nhật Lệ

Cây cầu nối trung tâm thành phố Đồng Hới với bán đảo Bảo Ninh phía bên kia bờ. Cây cầu tuy không có gì đặc biệt nhưng nó lại là niềm vui của người dân Đồng Hới một thời bởi việc khó khăn khi đi lại giữa đôi bờ sông Nhật Lệ đã bị xóa bỏ hoàn toàn.

Bãi biển Nhật Lệ

Nằm ngay trung tâm Tp Đồng Hới, bãi biển Nhật Lệ là bức tranh nàng tiên nữ với vẻ đẹp trữ tình lãng mạn nhất trong số dải bờ biển chạy dài ở tỉnh Quảng Bình.

Bãi biển Nhật Lệ được thiên nhiên ban tặng bãi cát trắng và nước biển trong xanh, còn mang vẻ hoang sơ. Từ lâu bãi biển Nhật Lệ nổi tiếng với một vùng trời mây, sông, nước, gió lộng khí trời, khí biển mặn mà. Biển Nhật Lệ kéo dài một màu cát trắng, những lúc trời thanh gió mát, bãi biển sạch như nệm mới, cát mịn, cứng óng ánh có thể đạp xe hay chơi bóng đá một cách thoải mái.

Bãi biển Bảo Ninh

Bãi Biển Bảo Ninh tọa lạc trên một xã là bán đảo nằm ở phía đông thành phố Đồng Hới, được nối liền với thành phố Đồng Hới bằng cây cầu Nhật Lệ xinh đẹp. Bãi biển Bảo Ninh trước kia còn khá hoang sơ nhưng hiện nay cũng đã thu hút được nhiều du khách không kém gì bãi Nhật Lệ.

Quảng Bình Quan

Quảng Bình Quan là một cổng áng ngữ trên đường thiên lý Bắc Nam (đường Hạ) thuộc hệ thống lũy Thầy, có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, thuộc TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Lũy Thầy (Vua Thiệu Trị của nhà Nguyễn đi qua hệ thống Lũy Thầy hùng vĩ này vì khâm phục trước công lao tổ tiên đã giữ vững cõi Nam mà đã ban cho lũy này tên mới là “Định Bắc trường thành”) là hệ thống thành luỹ cổ được chúa Nguyễn xây từ năm 1631 là tuyến phòng thủ quan trọng trong cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn, Quảng Bình Quan hiện nay đã được phục chế lại.

Quảng Bình Quan (dân gian gọi là cổng Hạ) là công trình kiến trúc cổ. Do biến thiên của lịch sử và thời gian, Quảng Bình Quan đã bị hư hại nặng. Năm 1961 được phục chế, tu sửa gần như nguyên bản. Đến năm 1965 bị bom Mỹ đánh sập gần như hoàn toàn. Hiện nay, Quảng Bình Quan đã được phục chế lại gần như nguyên bản. Du khách ra Bắc vào Nam, ngang qua địa phận tỉnh Quảng Bình sẽ được chiêm ngưỡng Quảng Bình Quan, một di tích kiến trúc có giá trị lịch sử và nghệ thuật, đã đi vào văn thơ.

Thành cổ Đồng Hới

Thành Đồng Hới được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 16 (1812) bằng đất (Nguyễn Ánh chính thức vào thành Phú Xuân ngày 15 tháng 6 năm 1802 lên ngôi hoàng đế đặt niên hiệu là Gia Long). Thành được xây ngay trên mảnh đất xưa kia chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho xây bức luỹ Trấn Ninh (luỹ Đào Duy Từ 1631) và đồn Động Hải 1774. Tám năm sau khi Gia Long mất, Minh Mạng nối ngôi, ông đã nhờ một sĩ quan người Pháp thiết kế lại thành Đồng Hới và xây lại bằng gạch (1824) theo kiểu vô băng, thành luỹ quân sự, thành có kiến trúc đẹp, hình múi khế, 4 múi to, 4 múi nhỏ, 4 múi nhỏ theo hướng Tây Nam – Đông Bắc và Tây Bắc – Đông Nam. Chu vi thành 465 trượng (1.860m), cao 1 trượng (4m). Mặt thành rộng 1m35, móng thành dày 2m. Mặt chính của thành quay về hướng Tây. Thành có 3 cổng lớn Bắc – Nam – Đông, trên cổng có vọng canh 8 mái. Cổng thành xây uốn kiểu tam quan thông ra ngoài bằng chiếc cầu gạch cũng xây kiểu vòm cuốn xinh xắn.

Ngoài thành cách chân thành khoảng 5 – 6m là hào rộng 7 trượng (28m) nay còn lại khoảng 15-20m. Mặt trong thành đắp đất phụ thêm dày 3 trượng (12m). Phần đắp đất phụ này hầu hết đã bị san phẳng còn lại dấu tích rất ít. Thành xây bằng gạch, vữa bằng mật mía trộn cát (không tô trát). Gạch có độ nung cao, loại gạch to (gạch vồ) có hai loại: 0,3m x 0,3m x 0,06m và 0,28 x 0,14 x 0,06. Các đầu múi khế là các vọng lâu và là những sở chỉ huy trực tiếp khi có các cuộc chiến đấu xảy ra. Năm 1842, Thiệu Trị lên ngôi được hai năm, ông đã đi Bắc tuần Động Hải và ra lệnh cho quan Thượng thư Bộ công và quân dân địa phương tu sửa lại thành và các luỹ cũ chắc chắn hơn.

Thành hiện này còn một nửa. Đoạn thành phía Đông, 3 cổng và hai cầu Nam – Bắc đã bị sập hoàn toàn do chiến tranh, cầu phía Đông còn nhưng không nguyên dạng như ban đầu. Thành còn 1.087m với 15 đoạn hình răng khế. Đoạn thành phía Nam còn lại 2/3 tương đối nguyên vẹn.

Tượng đài Mẹ Suốt

Trong thời kỳ chiến tranh, Mẹ Suốt đã chèo đò đưa bộ đội qua sông và đồng thời cũng là đường dây thông tin liên lạc giữa Đồng Hới và Bảo Ninh. Ngày 11/10/1968 mẹ Suốt hy sinh. Năm 1980, để tưởng nhớ công lao Mẹ anh hùng của quê hương, Quảng Bình đã cho xây dựng bia đài Mẹ Suốt nằm giữa trung tâm của bến đò.

Bảo tàng Quảng Bình

Bảo tàng Quảng Bình có tổng diện tích 2.500 m², trong đó nhà trưng bày 3 tầng với diện tích 2.000 m² là nơi trưng bày hơn 15.000 tranh ảnh, hiện vật liên quan đến văn hóa Quảng Bình thuộc nhiều thời kỳ gồm đồ đá, trống đồng, vũ khí, đồ đồng, tượng gốm… Đến đây các bạn có thể tìm hiểu thêm rất nhiều điều thú vị về vùng đất và con người Quảng Bình.

Bàu Tró

Bàu Tró là tên của một hồ nước ngọt nằm giữa các đồi cát ven biển, ở phía Đông Bắc Tp Đồng Hới. Nơi đây từ ngàn xưa, người nguyên thủy đã cư trú quanh hồ. Dấu vết của người xưa đã chìm dần trong cát. Ngày nay, Bàu Tró đang được đặt vấn đề bảo vệ nghiêm ngặt vì nó chẳng những là một di chỉ khảo cổ học, một thắng cảnh nổi tiếng mà còn là nguồn nước sinh kế cho một vùng cư dân trù phú.

Nhà thờ Tam Tòa

Nhà thờ Tam Tòa là một nhà thờ Công giáo toạ lạc đường Nguyễn Du, phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.Tam Tòa thuộc hạt Nguồn Son, Giáo phận Vinh. (Từ năm 2005 về trước Tam Tòa thuộc Tổng giáo phận Huế).Được xây từ năm 1886 với phong cách kiến trúc Bồ Đào Nha, đây từng được coi là một trong những nhà thờ đẹp nhất ở Việt Nam, mặc dù ngày nay nó chỉ còn là phế tích do đã bị phá huỷ gần hết trong chiến tranh.

Đồi cát Quang Phú

Cách trung tâm thành phố khoảng 8km, đồi cát Quang Phú mang vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của những cồn cát có độ cao vài chục mét. Đồi cát nằm sát ven biển và phù hợp với nhiều hoạt động giải trí trên cát.

Bố Trạch

Vườn Quốc Gia Phong Nha

Khu vực Phong Nha có lẽ là lý do mà phần lớn du khách đến với Quảng Bình. Với hệ thống các hang ngầm luôn nằm trong top đầu thế giới về nhiều tiêu chí, các địa điểm du lịch ở Phong Nha sẽ là một điểm đến có thể gây ấn tượng với bất kỳ du khách nào.

Xem thêm bài viết: Các địa điểm du lịch ở Phong Nha (Cập nhật 7/2021)

Động Phong Nha

Trong tất cả các hang động thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Phong Nha là hang động thuận lợi nhất cho khách du lịch có thể đến tham quan. Sau 30 phút du thuyền trên sông Son, khách du lịch sẽ được đưa tới cửa động Phong Nha. Với chiều dài gần 8km, Phong Nha là một trong những động nước dài nhất thế giới, đây cũng là hang động có con sông ngầm duy nhất ở Việt Nam đang được khai thác du lịch.

Động Tiên Sơn

Động Tiên Sơn hay động Khô là một động đẹp nổi tiếng ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng. Cửa vào động Tiên Sơn nằm cách cửa động Phong Nha khoảng 1.000 m, ở độ cao so với mực nước biển khoảng 200 m. Động Tiên Sơn có chiều dài là 980 m. Từ cửa động đi vào khoảng 400 m có một vực sâu chừng 10 m, và sau đó là động đá ngầm tiếp tục dài gần 500 m, khá nguy hiểm nên du khách chưa được phép đến khu vực này mà chỉ tham quan tới khoảng cách 400 m từ tính từ cửa động. Động này được phát hiện năm 1935, ban đầu, cư dân địa phương gọi động này là động Tiên, do vẻ đẹp kỳ bí thần tiên của nó. Sau này động Tiên Sơn được gọi là động Khô, để phân biệt với động Phong Nha là động nước. Động Tiên Sơn là nơi có cảnh thạch nhũ và măng đá kỳ vĩ huyền ảo như trong động Phong Nha nhưng lại có nét riêng là các âm thanh phát ra từ các phiến đá và cột đá khi được gõ vào vang vọng như tiếng cồng chiêng và tiếng trống. Theo các nhà khoa học thuộc Hội hang động Hoàng gia Anh, động Tiên Sơn được hình thành cách đây hàng chục triệu năm, khi một dòng nước chảy qua quả núi đã đục rỗng, bào mòn núi đá vôi Kẻ Bàng. Sau đó, do kiến tạo địa chất khối núi này hoặc đã được nâng lên, hoặc đã bị hạ xuống khiến các khối đá đổ sụp ngăn chặn dòng chảy làm nên động Tiên Sơn ở phía trên. Còn phần có sông ngầm chảy qua tạo ra hang động Phong Nha. Dù động Phong Nha và động Tiên Sơn nằm liền kề nhau nhưng giữa hang động này lại không thông nhau.

Động Thiên Đường

Động Thiên Đường được phát hiện năm 2005 bởi Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh và xác định động này có tổng chiều dài là 31 km. Do vẻ đẹp của động, họ đã đặt tên động này là Thiên Đường. Thiên Đường được đánh giá là động lớn và dài hơn động Phong Nha. Đây là một động khô, không có sông ngầm chảy qua như động Phong Nha. Trong động Thiên Đường có nhiều khối thạch nhũ và măng đá kỳ ảo. Phần lớn nền động là đất dẻo, khá bằng phẳng nên thuận tiện cho việc tham quan và thám hiểm. Trong khi nhiệt độ mùa Hè ở bên ngoài là 36-37 °C thì nhiệt độ trong động Thiên Đường luôn ở 20-21 °C.

Suối nước Moọc

Nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tuyến du lịch sinh thái Suối nước Moọc là một chuyến du lịch đầy ấn tượng vào vùng mới được khai phá. Tuyến du lịch sinh thái này đi qua một khu rừng đá vôi rậm rạp, dọc theo những con suối nhỏ róc rách của Suối nước Moọc và dòng sông Chày. Du khách có thể thư giản và tận hưởng những giây phút thoải mái khi đắm mình trong dòng nước mát tuyệt vời của suối, thử sức với các trò chơi trên nước hay chèo kayak cùng bạn bè.

Giá vé vào suối nước Mọoc có 2 loại là 80k và 180k. Vé 80k các bạn chỉ được vào khu Ghềnh Chụm, khu vực này không được đầu tư hạ tầng vui chơi gì cả và phải mất tiền để thuê các loại áo pháo, chỗ nghỉ ngơi. Vé 180k được vào khu Ghềnh Mọoc, đây là khu vực các bạn vẫn thấy trên ảnh với bể bơi tự nhiên (sâu 6m), cầu treo để nhảy, thuyền kayak để chèo. Tuy nhiên số lượng thuyền là khá ít, chỉ khoảng 10 chiếc và ban quản lý họ không có bất cứ trách nhiệm nào về việc các bạn vào nhưng không có thuyền để chơi. Team nào nhanh chân nhanh tay thì có thuyền, team nào đến sau không có thuyền thì cũng đành ngồi nhìn hoặc lên cầu treo nhảy xuống bơi.

Sông Chày – Hang Tối

Khu du lịch sinh thái sông Chày – hang Tối được Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đưa vào khai thác từ năm 2011, dưới hình thức du lịch kết hợp du thuyền khám phá thiên nhiên sông nước và tham quan hang động kỳ bí, khiến du khách như lạc vào chốn hoang sơ giữa vẻ đẹp của thế giới tự nhiên.

Sông Chày được bắt nguồn từ dãy núi đá vôi trùng điệp trong khu vực núi đá vôi cổ ở Phong Nha – Kẻ Bàng, có chiều dài khoảng 10km. Hành trình khám phá tour du lịch sông Chày – hang Tối thường được bắt đầu từ bến tàu tại trạm kiểm lâm Trộ Mơng (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Sau khi chèo thuyền khám phá sông Chày trong cái nắng chói chang ngày hè, du khách sẽ cảm thấy có sự thay đổi về nhiệt độ khi thuyền vào gần đến cửa hang Tối. Hang Tối là một nhánh thuộc hệ thống hang động Phong Nha, được các nhà thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh khảo sát vào các năm 1990 và 1992. Cũng giống nhiều hang động ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Tối vừa là hang nước, vừa là hang khô với tổng chiều dài 5.258m, cao 80m.

Khu du lịch Sông Chày – Hang Tối có nhiều trò chơi và rộng rãi hơn khu Suối Nước Mọoc khá nhiều, chèo kayak, trượt zipline, bơi lội trên sông, tắm bùn và khám phá Hang Tối. Vé vào cửa trọn gói là 450k.

Công viên OZO

Công viên Ozo với hệ thống các trò chơi mạo hiểm trong khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng. Đây là một trong những công viên trong rừng có đủ trò chơi trên cây cho du khách thử thách như vượt dây thừng trên không, đi bộ trên vòng tròn, đi trên thanh gỗ ngang, người nhện… Ngoài ra còn có đi zipline dài 250 m, Tarzan… những trò chơi đòi hỏi phải có sức khỏe và sự can đảm.

Hang Sơn Đoòng

Hang Sơn Đoòng tại xã Tân Trạch được coi là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Hang này nằm trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng. Hang Sơn Đoòng là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam gần biên giới với Lào. Hang được khám phá bởi một người dân Quảng Bình là Hồ Khanh từ những năm 90, tuy nhiên mãi đến khoảng 2009 khi Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh quay trở lại thăm dò thì Hồ Khanh và các chuyên gia hang động mới chính thức tìm thấy và công bố hang Sơn Đòong.

Hiện tại để tham gia khám phá Sơn Đòong các bạn cần tham gia tour qua công ty Oxalis với mức chi phí 3000$ cùng thể lực đảm bảo, không có phương án nào để bạn có thể tự đi Sơn Đòong.

Rào Thương Hang Én

Rào Thương hay còn gọi là suối Đoòng, bắt nguồn từ đỉnh núi U Bò và một số khe suối nhỏ trên dãy Trường Sơn. Dòng suối này không sâu, có nhiều bãi bồi. Nước suối mát lạnh và rất trong, giúp du khách có thể quan sát những đàn cá bơi lội tung tăng. Hai bên bờ suối là những rặng núi đá vôi nối tiếp nhau đan xen với những cánh rừng thưa trải dài ngút tầm mắt. Du khách đi men theo dòng suối Rào Thương cho đến khi gặp vùng nước lặn của suối (vị trí mà khi nước suối chảy đến đây thì đột ngột tụt xuống đất, không thấy chảy nữa) là tới hang Én.

Hang có tên là Én vì nơi đây có nhiều chim én sinh sống. Hang Én đã trở nên quen thuộc với người dân bản địa từ rất lâu bởi đây đã từng là nơi cư trú của tộc người Arem từ hàng ngàn năm trước. Trước đây, khi người Arem vẫn còn sống tại hang Én, hàng năm, cứ vào mùa én làm tổ, người Arem thường trèo lên vách đá và trần hang để bắt chim én non làm thực phẩm. Bây giờ, tuy người Arem đã chuyển về định cư gần đường 20 Quyết Thắng, nhưng cứ đến ngày rằm tháng năm âm lịch, họ lại trở về hang Én tổ chức lễ hội ăn én để tạ ơn thần rừng, thần núi.

Bãi Đá Nhảy

Đá ở đây nằm rải rác trên bờ, suốt bốn mùa nô đùa cùng sóng bạc. Từ trên cao nhìn xuống, bãi Đá Nhảy giống như một bức tranh thiên nhiên độc đáo với muôn vàn núi đá hình thù kỳ thú. Tảng lớn tựa trâu nằm, voi phục, những hòn đá nhỏ lại trông giống cóc nhảy trên đầu sóng. Tùy thuộc vào sự lên xuống của con nước theo mùa, du khách tới đây chắc hẳn sẽ còn ngạc nhiên với sự biến đổi màu sắc của từng phiến đá.

Biển ở Đá Nhảy cũng vô cùng tuyệt diệu. Bãi bằng phẳng, nước trong veo và cát trắng mịn màng. Mùa hè du khách có thể tắm mát và cảm nhận từng cơn gió từ biển thổi vào. Đông đến chỉ cần dạo bộ trên bờ cát phẳng lì và lắng nghe sóng vỗ rì rào vào vách núi cũng đủ khiến ngưỡi lữ khách xao xuyến tâm hồn.

Lệ Thủy

Suối khoáng nóng Bang

Nằm cách Tp Đồng Hới khoảng 60 km về phía Nam, trên địa bàn xã Kim Thuỷ, suối nước khoáng nóng thiên nhiên Bang là nguồn nước khoáng duy nhất tại Việt Nam có nhiệt độ sôi tại lỗ phun đạt đến 105°C.

Với nhiều nguyên tố vi lượng quý hiếm, nước khoáng Bang được tinh chế trở thành nước giải khát có uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, khu vực mỏ nước khoáng Bang là địa điểm lý tưởng đang được đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái và điều dưỡng, chữa bệnh.

Nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống tại ngôi nhà này đến năm 13 tuổi và vào học ở Trường Quốc học ở Huế, nơi khởi đầu sự nghiệp cách mạng về sau này. Ngôi nhà cũ được xây dựng đầu thế kỷ 20 nhưng trải qua chiến tranh bị đốt phá, hư hỏng. Vào năm 1977, Nhà lưu niệm được phục dựng ngay trên nền đất của ngôi nhà cũ theo nguyên gốc kiến trúc điển hình của những ngôi nhà ở làng quê Lệ Thủy từ xa xưa với ba gian, hai chái lợp ngói, mái hiên được lợp bằng lá cọ, cửa bức bàn.

Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh

Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên một ngọn đồi rộng của đãy núi An Mã, thuộc xã Trường Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ; cách trung tâm huyện Lệ Thuỷ 25km về phía Nam. Được chúa Nguyễn đồng ý, Nguyễn Hữu Cảnh đã tổ chức một cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử, đưa dân từ Bố Chính (Quảng Bình), Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi (vùng Ngũ Quảng) vào khai phá vùng đất hoang vu để có Nam bộ trù phú ngày nay. Hiện nay, trong khuôn viên lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh ở Quảng Bình còn có một tấm bia đá rất có giá trị được tạc bằng đá xanh (cẩm thạch) với kiểu dáng thường gặp ở cuối triều Nguyễn.

Quảng Trạch

Đèo Ngang

Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A ở ranh giới thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh và huyện Quảng Trạch nằm trên dãy núi Hoành Sơn. Trên đỉnh đèo Ngang hiện còn “Cổng trời” di tích của cửa ải Hoành Sơn Quan bằng gạch đá được xây vào năm 1833, thời vua Minh Mạng để kiểm soát việc qua đèo.

Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh (hay còn được biết với tên gọi khác là đền Liễu Hạnh công chúa) nằm ở chân núi Đèo Ngang (nếu từ Hà Tĩnh sang, qua hết hầm sẽ thấy), mặt đền hướng ra biển. Đền thờ được người dân lập nên từ nhiều đời nay và trở thành một địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân Quảng Bình nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Vũng chùa Đảo Yến

Vũng Chùa – đảo Yến nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cách đèo Ngang khoảng 10km về hướng đông nam. Từ trên đỉnh Thọ Sơn phóng tầm mắt về hướng biển là khung cảnh non nước hữu tình, biển nước mây trời bình yên và khoáng đạt. Vũng Chùa được bao bọc bởi ba đảo là Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm (đảo Yến) nên nơi đây rất kín gió. Những ngày gió bão tàu thuyền thường về đây trú ẩn.

Theo lời kể của những người cao niên ở làng Thọ Sơn, tên gọi vũng Chùa xuất phát bởi vùng biển nơi đây yên bình như “vũng”, từ hàng trăm năm trước có một ngôi chùa rất linh thiêng nhưng qua bao bể dâu nay chỉ còn nền móng. Đảo Yến tên gốc là Hòn Nồm, gọi theo hướng gió. Sau này người dân gọi là đảo Yến bởi trên đảo có nhiều chim yến về đây làm tổ. Đảo Yến rộng khoảng 10ha cách bờ khoảng 1km, vẻ đẹp hoang sơ, như bức bình phong nổi lên giữa biển.

Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn vũng Chùa – đảo Yến (Quảng Trạch, Quảng Bình) làm nơi an nghỉ cuối cùng, vùng biển này trở thành một địa danh thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách du lịch khi đến với Quảng Bình.

Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đây là nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi qua đời vào năm 2013. Khi mới đưa Đại tướng về khu vực này vẫn còn tương đối hoang vu, vắng vẻ. Hiện nay đường vào khu mộ Đại tướng đã được xây dựng hoàn chỉnh để phục vụ du khách vào viếng.

Làng Bích Họa Cảnh Dương

Cảnh Dương một xã ven biển trù phú với cảnh quan thơ mộng, nằm cạnh QL 1A, cách khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khoảng 10km với gần 375 năm hình thành và phát triển. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong “bát danh hương” của Quảng Bình xưa.

Với sản phẩm “làng bích họa” độc đáo, du khách sẽ ngỡ ngàng với cung đường bích họa bắt đầu từ Đình thờ Tổ cho đến đường ven biển. Những bức tranh tường, tranh 3D độc đáo được vẽ lên nhằm mô tả câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển, truyền thống anh hùng trong kháng chiến, những nét đẹp bình dị của làng biển trù phú này.

Minh Hóa

Hang Tú Làn

Hệ thống hang động Tú Làn gồm hơn 10 hang động, một số được phát hiện vào năm 1992, số còn lại mới được tìm thấy gần đây. Năm 2016, đoàn làm phim đến từ Hollywood đã chọn thung lũng Tú Làn để thực hiện một số cảnh quay cho bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island”. Tú Làn là một trong những địa điểm các bạn cần đặt tour qua Oxalis để có thể tới được đây.

Thác Mơ

Thác Mơ nằm trên dòng khe Ve ở làng Lâm Sum. Thác cách Đường Hồ Chí Minh cỡ 400 m, từ đường đi bộ tầm 15 phút là đến. Thác Mơ có nhiều tầng, cao 3 – 5 m, tạo ra những dải lụa trắng. Dưới chân thác là các hồ nước, trong đó có hồ Trốc Voi lớn nhất. Hồ này gắn với sự kiện được các bậc cao niên ở Hóa Hợp kể rằng trên đường vào Hóa Sơn để xây dựng kinh đô kháng chiến, vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng đã đi qua Thác Mơ. Một con voi bị kẹt chân trong đá, mọi người đào khoét cố gắng cứu voi nhưng không thành, chỉ có hố đào vẫn còn và mở rộng theo thời gian.

Cha Lo – Cổng Trời

Khu di tích lịch sử Cha Lo – Cổng Trời thuộc khu vực xã Dân Hóa. Đây là điểm di tích lịch sử – văn hoá nằm trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Cha Lo – Cổng Trời với truyền thuyết về nàng Y Leng và chàng Thông Ma (tộc người Khùa, người Mày) yêu nhau say đắm nhưng không thành duyên và kết quả là ’’Cổng Trời’’ hiện lên do dân làng đặt tên cho 2 khối đá tự nhiên nằm một bên là vách núi đá cheo leo, một bên là vực thẳm đầy gai góc và đá tai mèo.

Cửa khẩu Cha Lo

Cửa khẩu Cha Lo là cửa khẩu Quốc tế trong hệ thống các cửa khẩu Việt Lào, nằm trên địa bàn huyện Minh Hóa, tương ứng bên phía Lào có cửa khẩu Naphao thuộc tỉnh Khăm Muộn.

Quảng Ninh

Núi Thần Đinh

Từ thành phố Đồng Hới đi theo đường Hồ Chí Minh (nhánh đông) về phía nam khoảng gần 20km đến địa phận xã An Ninh, rẽ phải đi theo con đường nhựa khoảng 8km, du khách sẽ đến chân núi Thần Đinh.

Núi có hình dáng tựa như một đụn rơm lớn, nhưng đỉnh lại tương đối bằng phẳng. Để lên đến đỉnh núi, du khách phải vượt qua hơn 1.200 bậc đá với cây cối um tùm mọc 2 bên đường đi. Càng lên cao, không khí càng mát mẻ, thoáng đãng. Leo lên khoảng hai phần ba đường, du khách sẽ tới một cái hang lớn gọi là Chùa Hang. Trước hang, về phía tả có động Chuông, phía hữu có động Trống do thạch nhũ trong động rũ xuống, gõ vào vang lên âm thanh như tiếng chuông, tiếng trống. Cửa Chùa Hang hẹp, phải lách nghiêng người mới vào được. Bên trong hang có những phiến đá hình cái bàn, chiếc ghế, bên trên có nhiều hòn đá nhỏ hình Phật, tiên. Từ trần hang rũ xuống vô số thạch nhũ muôn hình vạn trạng trông rất ngoạn mục. Tiếp tục leo lên khoảng 300 bậc đá theo triền núi, du khách sẽ bắt gặp giếng Tiên nước đầy ắp, trong vắt và ngọt mát. Lên đến đỉnh núi Thần Đinh nằm ở độ cao 405m so với mực nước biển, du khách sẽ thấy chùa Kim Phong (chùa Non).

Khe Nước Lạnh

Khe Nước Lạnh chảy qua địa bàn xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) và xã Trường Xuân (Quảng Ninh) với vẻ đẹp hoang sơ đến ngỡ ngàng, giữa đại ngàn rừng nguyên sinh, không khí trong lành, dòng nước trong xanh chảy len lỏi qua những khe đá, tạo được thành một ấn tượng khó quên với du khách. Tại đây sẽ được đầu tư xây dựng các khu bungalow sinh thái có bể bơi, khu nhà nghỉ trên cây, khu nhà nghỉ trên đồi, nhà hàng, các loại hình trò chơi dưới nước (kayak, thuyền vượt thác, high wire và zipline ngắn, tắm sông…), khu cắm trại qua đêm…

Các món ăn ngon ở Quảng Bình

Hải sản Quảng Bình

Là một tỉnh ven biển nên Quảng Bình cũng là vùng đánh bắt hải sản tương đối lớn. Du khách đến với Quảng Bình ngoài các món ăn truyền thống, có thể thưởng thức các loại hải sản ngay tại các nhà hàng, quán ăn ven biển Nhật Lệ hay Bảo Ninh.

Bánh bột lọc Quảng Bình

So với bánh bột lọc của Huế hay các địa phương khác, bánh bột lọc Quảng Bình tạo dấu ấn riêng trước hết bởi sự đa dạng trong cách chế biến.

Cũng vỏ bột lọc, nhân tôm, thịt, mộc nhĩ, vậy mà người dân sáng tạo ra nhiều cách thưởng thức khác nhau và lạ lùng thay, mỗi cách lại có niềm thích thú riêng. Nếu bánh bột lọc gói lá chuối giữ được sự tươi nồng của lá chuối cộng thêm sự dai của bột, vị ngọt của tôm, vì bùi béo của mộc nhĩ hòa trộn thịt mỡ, thì món bánh lọc rán qua chảo dầu sôi sục lại hấp dẫn bởi sự giòn thơm, kích thích vị giác. Ngoài ra, khách hàng có thể thưởng thức món bánh lọc chỉ luộc nhanh qua nước sôi, rưới nước mắm, hành hoa, ngò xanh, hành khô, thêm dăm miếng ớt đỏ tươi, là có thể hòa mình vào “bản hợp ca” kích thích vị giác bởi mặn, ngọt, chua, cay…

Nói đến nước mắm chấm bánh bột lọc cũng phải mất nhiều thời gian, khi mà dường như với mỗi loại bánh lại ưu ái một công thức riêng, không phải bà nội trợ nào cũng sành sỏi. Với bánh lọc lá chuối là nước mắm hơi ngọt nhẹ, không gắt, giữ vị thanh đầu lưỡi, thì với bánh lọc rán lại là sự mặn nhẹ, ngọt vừa kết hợp ớt bột cay xé lưỡi, còn bánh lọc trần chỉ đơn giản là sự pha trộn giữa vị chua của chanh, mặn của nước mắm, ngọt của đường, thêm chút gia vị đặc trưng riêng của chủ quán.

Vậy là khi vào Quảng Bình, món bánh dân giã như được mặc “áo mới”, được chế biến sao cho thật hòa hợp với người dân bản địa và quan trọng hơn là lưu giữ phần hồn, cốt của con người làm ra chúng.

Bánh bèo tôm chấy

Huế nổi tiếng với bánh bèo chén thì Quảng Bình lại có món bánh bèo xếp trên đĩa thành từng khoanh tròn trắng mịn sát nhau, quệt lên chút mỡ hành, tôm chấy và bì lợn chiên giòn rụm. Bột bánh mềm mượt nhưng vẫn có độ dai trong nhất định, tôm được tuyển chọn kỹ lưỡng, bát nước mắm được pha mặn ngọt vừa đủ độ, ớt cay nồng vương mãi trên đầu lưỡi khi vừa nếm qua.

Bánh cuốn ruốc tôm

Bánh cuốn Quảng Bình thì không giống như bánh cuốn Hà Nội. Nó cũng là bột gạo được tráng lên nhưng không có nhân, rắc lên trên đĩa bánh là ruốc tôm. Bánh cuốn ấy được cuốn vào bánh tráng kèm ớt, dưa chuột thái mỏng, lát vả, các loại rau thơm rồi chấm với nước lèo.

Nem lụi nướng sả

Đây là món ăn ưa thích của người dân Đồng Hới mỗi buổi chiều. Nguyên liệu làm món nem này khá đơn giản, bao gồm thịt heo xay nhuyễn với bì và mỡ heo. Trộn đều hỗn hợp thịt cùng gia vị gồm hạt nêm, tiêu bột, hành băm, tỏi, sau đó khéo léo bao phần thịt đã sơ chế quanh những que làm từ thân cây sả sao cho tròn đều.

Chủ quán sẽ đem que lụi lên bếp than hồng để nướng, đến khi thịt chuyển màu vàng nhẹ, tỏa hương thơm ngào ngạt là có thể đem ra mời khách.

Món nem lụi ngon hay dở phụ thuộc rất nhiều vào nước chấm. Không giống nước chấm thông thường, mắm chấm nem lụi có bí quyết riêng của mỗi quán, thường là hỗn hợp đặc sánh, làm từ đậu phộng, thịt, gan xay nhuyễn nấu sền sệt có màu nâu đặc trưng cùng hương vị rất đậm đà. Đồ ăn kèm với nem lụi gồm có rau sống, dưa leo, chuối chát… kẹp cùng bánh tráng mỏng.

Bánh Khoái

Bánh khoái ăn ngon nhất là lúc vừa mới tráng xong, khói còn bốc lên nghi ngút, kẹp nhanh tay vào miếng bánh tráng mỏng cùng rau thơm, salad, khế chua, chuối chát, vả, nộm, ruốc tôm… chấm với nước mắm nêm rất vừa vị. Bạn sẽ cảm nhận được sự nóng hổi hòa quyện với mùi thơm của bánh, mát dịu của rau sống, vị béo ngậy của tôm, thịt và vị đậm đà của nước chấm.

Ốc chiên

Ốc chiên rô ti là cách chế biến lạ lẫm ngay cả với những người thích ăn ốc. Đến thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, bạn không nên bỏ qua món ăn vặt độc đáo này. Địa chỉ gợi ý là quán ốc chiên Dì Thái, nơi đầu tiên sáng tạo ra công thức nổi tiếng mà sau này một số quán cũng đưa vào thực đơn.

Ốc chiên ở quán có hai loại là ốc bươu và ốc xoắn, thường được khách phân biệt là ốc to và ốc nhỏ. Tuy nhiên, ốc bươu đắt hàng hơn. Ốc được luộc qua rồi mới mang rô ti trên chảo dầu nóng, đợi ốc bắt đầu ngấm gia vị thì thả dừa, dứa, ớt quả, gừng, sả, lá chanh lên trên, đảo thật đều cho đến khi toàn bộ con ốc có màu vàng ruộm đẹp mắt. Ốc chín đều bên trong, cắn vào thịt ốc cảm thấy sần sật, hương vị rất đậm đà nhờ đuôi ốc được chặt sẵn trước khi ướp và nấu.

Lẩu cá khoai

Lẩu cá khoai là đặc sản số một của tỉnh Quảng Bình đã chinh phục được những thực khách khó tính. Cá khoai để nấu lẩu chắc chắn phải là những con cá tươi nhất, dày thịt nhất. Cá được làm sạch ruột, bỏ đầu, bỏ đuôi có thể để nguyên con hoặc cắt khúc tùy ý, rồi ướp chút gia vị như muối, tiêu hoặc ớt, cùng cây nén được cắt nhỏ. Nước lẩu cá khoai có các thành phần nguyên liệu thông dụng như cà chua, nước cốt me, khế chua, dưa cải, măng chua, nấm… Khi nước lẩu sôi thì nhúng cá vào chín tới vớt ra liền, thưởng thức ngay khi còn nóng để vị ngọt của cá còn nguyên và thịt cá không bị nát hay bị tanh.

Cháo canh

Món ăn thoạt nghe có vẻ giống món cháo, nhưng đây là cách người Quảng Bình gọi món bánh canh bột lọc hoặc bột gạo. Tô cháo canh có nước dùng màu hơi vàng, là sự kết hợp của cá, tôm, thịt nạc. Cá lóc sau khi luộc sẽ được bóc lấy thịt, xào lên, nêm vừa gia vị rồi thả vào nồi cháo canh đang sôi cho đậm đà. Rau cải xanh thái nhỏ cũng được ăn kèm để giảm ngấy. Các quán cháo canh có ở khắp đất Quảng Bình, từ các chợ, quán vỉa hè đến nhà hàng.

Bánh canh chả cá

Bạn có thể đã thưởng thức bánh canh ghẹ, bánh canh cua, bánh canh sườn… ở nhiều nơi, tuy nhiên bánh canh chả cá thát lát thì không phải nơi nào cũng có. Do vậy, đừng bỏ qua cơ hội ghé con đường gần khu chợ Đồng Phú khi ghé thăm thành phố Đồng Hới và hỏi thăm quán cháo sáng giản dị có đặc sản này. Loài cá nước ngọt này được giã nhuyễn với gia vị đậm đà, không thể thiếu tiêu, vắt thành từng miếng vừa ăn, cho vào bát cháo canh nước xương, từng sợi bánh dài quyện vào sóng sánh trông rất kích thích vị giác.

Chắt chắt bánh tráng

Chắt chắt là một loại hến ở cửa sông. Món này có cách làm và thưởng thức giống với hến bánh tráng của Huế. Đó là thịt chắt chắt xào trên chảo, nêm gia vị, hành phi, rắc thêm chút rau thơm lên trên. Khi ăn dùng bánh tráng để xúc, đơn giản mà ngon miệng. Chắt chắt còn được xào với mít non lá lốt, là những biến tấu của món ăn dân dã này.

Bánh mỳ kẹp bột lọc

Ở Quảng Bình có món ăn khá độc đáo là bánh mì kẹp bột lọc. Những viên bột lọc nhân tôm và nhân đậu xanh được chủ quán nhanh tay bỏ vào trong bánh mì còn nóng, chan thêm nước sốt cay. Món ăn này được nhiều du khách tò mò mua thử khi đến chợ Đồng Hới. Phần bột lọc có độ dai vừa phải, tôm đậm đà, nhân đậu xanh mềm và ngọt, tạo nên một món ăn dân dã nhưng có sức hút.

Cháo hàu

Cháo hàu trước đây nổi tiếng nhất ở khu vực Lương Ninh, Quán Hàu với vị hàu được cho là ngọt hơn, thịt béo hơn những nơi khác. Món này được chế biến khá đơn giản với một nồi cháo trắng được nấu trước. Hàu tươi sẽ được lấy thịt ra, rửa sạch ướp gia vị rồi cho vào nồi cháo đã chuẩn bị sẵn. Khi múc cháo ra bát, rắc thêm ít hạt tiêu và hành lá thái nhỏ.

Gỏi cá nghéo

Nếu Phú Quốc có gỏi cá trích thì Quảng Bình có gỏi cá nghéo độc đáo. Cá nghéo là một loại cá xương sụn, có họ hàng với cá mập. Giống cá nghéo không đẻ trứng mà đẻ con. Thịt cá nghéo nạc, ít mỡ, da nhám. Cũng bởi chính vì thuộc loài da nhám nên thịt cá nghéo khá tanh.

Trước khi chế biến phải cạo da bằng nước nóng thì thịt mới hết mùi. Cách chế biến cá nghéo cũng khá đa dạng. Với món khai vị, có thể làm gỏi cá nghéo. Các mùi thơm của rau sống thêm chút vị nồng của cá khiến cho món khai vị trở nên độc đáo và hấp dẫn hơn hẳn.

Đặc sản Quảng Bình mua về làm quà

Khoai deo

Khoai lang là món ăn dân dã, quen thuộc với người dân mỗi vùng miền từ khoai có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau từ bình dân đến sang trọng như khoai nướng, khoai chiên, khoai luộc, khoai nấu canh, khoai nấu chè, khoai làm bánh, làm mứt… Nhưng khoai deo thì không phải ai cũng biết đến. Đó là đặc sản mà chỉ Quảng Bình mới có.

Khoai lang tươi sau khi mua hoặc thu hoạch về không nên dùng để chế biến ngay mà nên để cho khoai héo bớt, nhưng không được mọc mầm. Vì khoai mọc mầm khi ăn sẽ rất độc. Khi khoai bớt tươi, bề ngoài củ không còn sáng màu, căng mọng thì đem rửa sạch rồi luộc chín.

Sau đó bóc vỏ, dùng dao thái lát mỏng rồi đem phơi dưới trời nắng to để khoai nhanh khô, dẻo hơn, có màu vàng sậm hơn, và phải có dụng cụ che đậy. Khoai đạt yêu cầu phải có màu nâu cánh gián, khi ăn thấy khoai dẻo, vị ngọt thanh và thơm nức mùi khoai.

Bánh gai Lệ Thủy

Lệ Thủy từ lâu đã được nhiều du khách biết đến với sản phẩm bánh gai truyền thống khá nổi tiếng. Ban đầu, bánh gai Lệ Thủy tròn như quả chanh, không có lá bọc, chỉ được dùng trong ngày Tết hay nhà có giỗ chạp. Còn nay, bánh gai đã được làm quanh năm, trở thành đặc sản để du khách chọn làm quà khi đến Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung.

Mè xửng

Từ rất lâu, sản phẩm kẹo mè xửng gia truyền ông Ký (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) đã gắn bó và trở thành món quà quen thuộc của người con Lệ Thủy khi xa quê. Hiện nay, sản phẩm kẹo truyền thống này đã được anh Trần Trung Kiên, một người cháu đời thứ 4 của dòng họ kế nghiệp và nỗ lực đưa đến người tiêu dùng trong cả nước với thương hiệu “Mè xửng Hiếu Kiên”.

Cho đến thời điểm này, sản phẩm kẹo mè xửng cổ truyền ông Ký đã có tuổi đời 136 năm. Ngoài cơ sở bánh kẹo mè xửng gia truyền ông Ký với nhãn hiệu Uy Nam, hiện nay còn có sản phẩm mè xửng nhãn hiệu Hiếu Kiên do anhTrần Trung Kiên, người cháu đời thứ 4 của dòng họ Trần Văn kế nghiệp nghề cha ông để lại.

Mật ong Tuyên Hóa

Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng miền núi phía Tây Quảng Bình những loại thảo mộc quý hiếm, có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh cao, như: cây sòi đất, cây săng chè, cây hoa chạc chìu, cây trâm… Nhờ đó, mật ong nơi đây không chỉ mang hương vị thơm ngon đặc trưng, màu vàng sánh mịn hấp dẫn, mà còn có nhiều công dụng cho sức khỏe con người.

Nước mắm Bảo Ninh

Xã Bảo Ninh là một xã vùng biển của thành phố Đồng Hới – Quảng Bình, có nghề truyền thống làm nước mắm lâu đời. Người Bảo Ninh tự hào có nhiều đặc sản biển. Nhưng họ tự hào nhất vẫn là nước mắm từ con cá nục mu.

Nục mu là loài cá nhỏ như ngón tay, toàn thân là thớ thịt nạc mềm mại. Lúc làm nước mắm, chỉ mới trộn muối thôi đã thấy rỉ nước huyết đỏ hồng ra ngập cả cá. Loại nước mắm này vừa thơm, vừa ngọt, màu sắc sánh như mật ong thượng hạng.

Rượu Võ Xá

Rượu Võ Xá được sản xuất bằng phương pháp cổ truyền của làng Võ Xá từ hàng trăm năm nay, từ thời Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi Phương Nam, là sự kết hợp tinh tế giữa dòng nước tinh khiết của Động Cát Trắng và gạo thôn quê cộng với công thức lên men độc đáo đã cho ra sản phẩm rượu thơm nồng mà không một loại rượu nào có thể so sánh kịp.

Lịch trình du lịch Quảng Bình

Trong bài viết này, Cùng Phượt gợi ý các bạn một vài lịch trình khám phá Quảng Bình nói chung và khu Phong Nha nói riêng. Tùy vào nơi các bạn ở các bạn có thể lựa chọn tàu hỏa/máy bay hay xe giường nằm sao cho tiện nhất nhé. Trong bài này chúng mình gợi ý đi bằng tàu hỏa bởi thời gian hợp lý.

Hà Nội – Đồng Hới – Phong Nha

Ngày 1: Hà Nội – Đồng Hới

Khởi hành từ Hà Nội bằng tàu hỏa, đi chuyến tàu SE7 lúc 6h sáng thì đến 16h30 có mặt ở Đồng Hới, về khách sạn nhận phòng là vừa.

Nhận phòng xong thì thuê xe điện làm 1 vòng các địa điểm du lịch ở Đồng Hới. Mỗi chuyến xe chạy khoảng hơn 1 tiếng, kết thúc quay về khách sạn tắm rửa rồi buổi tối đi ăn.

Ngày 2: Đồng Hới – Phong Nha – Động Thiên Đường – Suối Nước Moọc

Xuất phát từ Đồng Hới khoảng 8h sáng, từ đây đi đến trung tâm Phong Nha mất khoảng 1 tiếng. Đến khoảng 9h có mặt tại đây. Từ trung tâm Phong Nha các bạn men theo đường 20 cho đến Cầu Trạ Ang sẽ thấy biển chỉ dẫn đi Động Thiên Đường, khoảng 30 phút nữa, vậy là khoảng 9h30 sẽ bắt đầu đến được cửa động Thiên Đường

Vé vào cửa Động Thiên Đường là 250k cho 1 người, nếu muốn giảm bớt khoảng hơn 1km đi bộ các bạn có thể bỏ qua màn mua vé xe điện, nếu không giá vé xe điện khứ hồi là 100k. Từ điểm dừng xe điện, các bạn cần leo khoảng 600m để đến cửa động, đường dốc thoai thoải và đi dưới các tán cây rừng nên cũng không mất quá nhiều sức. Bình quân khoảng 30 phút lên tới cửa động. Động Thiên Đường khá sâu, đi từ cửa hàng một mạch vào đến điểm cuối cùng nhanh cũng phải mất khoảng 30 phút, thể nên tổng thời gian từ lúc bạn bắt đầu mua vé cho đến khi quay lại cổng vào sẽ mất khoảng 2 tiếng.

Khoảng 11h30 quay lại đến bãi gửi xe, tiếp tục di chuyển đến Suối Nước Mọoc (hoặc Sông Chày – Hang Tối), 2 chỗ này cách nhau chỉ khoảng hơn 3km. Ăn trưa tại đây, chú ý là khu du lịch họ không cho mang đồ ăn vào nên các bạn chỉ nên chuẩn bị nước, bia.. đồ ăn có thể đặt tại đây, giá cả cũng vừa phải không đắt lắm.

Tuỳ thời gian các bạn có thể chơi ở đây, nhưng thường thời gian ăn uống và vui chơi cũng phải khoảng 2-3 tiếng. Kết thúc quay lại trung tâm Phong Nha nghỉ ngơi. Nhớ đặt phòng khách sạn ở Phong Nha trước nhé.

Ngày 3: Khám phá Phong Nha – Đồng Hới – Hà Nội

Sáng dậy sớm làm ly cafe rồi đi bộ ra bến thuyền đi Phong Nha và Tiên Sơn. 2 động này nằm cạnh nhau nên có thể đi cùng một lượt. Khám phá 2 động này mất khoảng buổi sáng là xong, sau khi quay lại về bờ thì các bạn trả phòng khách sạn, quay trở lại Đồng Hới nghỉ ngơi.

Từ Đồng Hới tùy lựa chọn các bạn có thể lên tàu về luôn hoặc ở lại khám phá thêm một chút nữa, các chuyến tàu từ Đồng Hới về Hà Nội có thể trong khoảng 15h-16h hoặc khoảng 21h.

Khám phá Phong Nha trong 2,5 ngày

Các bạn lựa chọn các chuyến tàu từ Hà Nội và Sài Gòn sao cho có thể có mặt ở Tp Đồng Hới lúc sáng sớm là đẹp nhất.

Sáng khởi hành từ Đồng Hới di chuyển vào Phong Nha. Đi sớm thì có nhiều thời gian hơn để vui chơi nhé các bạn. Nếu thích chạy xe máy thì các bạn thuê xe ở Đồng Hới mang vào, nếu không có thể chọn đi xe buýt vào Phong Nha rồi thuê xe máy tại đây. Trong này cũng nhiều cửa hàng cho thuê xe máy lắm, yên tâm.

Ngày 1: Đồng Hới – Động Phong Nha – Động Tiên Sơn – Suối Nước Mọoc

Từ Tp Đồng Hới vào đến Phong Nha, ra bến thuyền mua vé đi 2 động Phong Nha và Tiên Sơn. Vé Phong Nha là 150k, Tiên Sơn là 80k, thuyền đi 2 điểm này giá 400k (nếu chỉ đi 1 trong 2 điểm giá thuyền là 360k) chở được khoảng chục người, nếu đi ít người các bạn có thể chờ ghép đoàn (chờ bao lâu không biết).

Đi hết chặng 2 động này cũng phải mất khoảng 2 – 3 tiếng, đến khoảng trưa quay lại bến thuyền nghỉ ngơi ăn uống là vừa. Tuỳ vào muốn ăn gì mà các bạn lựa chọn hàng ăn cho phù hợp.

Ăn uống nghỉ ngơi xong thì chạy thẳng đến Suối Nước Mọoc nha, chỗ này vui vẻ nên cũng cứ bơi lội chơi bời tầm vài ba tiếng. Mang theo ít bia với đồ nhắm nhẹ nhàng đi là hợp lý.

Tối về lại Phong Nha nghỉ ngơi, nếu là tối thứ 6 có thể ghé Heritage By Night nghe Live Music. Nếu là tối thứ 7 có thể ghé Easy Tiger cũng có live music. Nhưng buổi tối nào thì cũng nên ghé quán Easy Tiger, chỗ đó vui vô cùng.

Ngày 2: Hang Tám Cô – Động Thiên Đường – Hang Tối – Sông Chày

Sáng hôm sau từ Phong Nha tiếp tục chạy xe máy đi theo đường 20, đến cầu Trạ Ang sẽ thấy có biển đi Hang Tám Cô, ghé vào đây một chút trước rồi quay lại theo biển chỉ dẫn đi Động Thiên Đường. Dành khoảng 2-3 tiếng ở đây, đến trưa chạy qua khu Hang Tối – Sông Chày bơi lội và chơi ziplines các kiểu, vé ở đây trọn gói là 450k, hơi chát nhưng với ngần đó dịch vụ cũng okie nha.

Tối nghỉ tiếp 1 đêm nữa ở Phong Nha.

Ngày 3: Trekking Phong Nha Botanic Garden

Sáng dậy sớm, đi đến vườn thực vật (Phong Nha Botanic Garden). Ở đây có mấy chặng trekking hay ho phết. Các bạn có thể chọn chặng 2 hoặc 3 (chặng 1 có hơn 1km, ngắn quá) với thời gian khoảng 2-4 tiếng. Nếu thích có thể lựa chọn cắm trại luôn ở trong rừng.

Trưa kết thúc hành trình, trả phòng ở Phong Nha rồi quay lại Đồng Hới. Từ Đồng Hới lên tàu về lại Hà Nội hoặc Sài Gòn.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch Quảng Bình 2021
  • du lịch Quảng Bình tháng 7
  • tháng 7 Quảng Bình có gì đẹp
  • review Quảng Bình
  • hướng dẫn đi Quảng Bình tự túc
  • ăn gì ở Quảng Bình
  • phượt Quảng Bình bằng xe máy
  • Quảng Bình ở đâu
  • đường đi tới Quảng Bình
  • chơi gì ở Quảng Bình
  • đi Quảng Bình mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Quảng Bình
  • homestay giá rẻ Quảng Bình

0 ( 0 bình chọn )

Chuyên trang tin tức, đánh giá, tư vấn homestay ở Việt Nam

https://review.vnhomestay.com.vn
Đặt homestay nhanh nhất, đơn giản nhất xin gọi hotline: 0356 816 765

Ý kiến bạn đọc (0)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Mới

Xem thêm