I) Khái quát chung về Thành phố Việt Trì:
Thành phố Việt Trì là cửa ngõ vùng Tây Bắc, nối giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, là đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt trên hành lang kinh tế Hà Nội – Lào Cai nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng… Do đó được xác định là 1 trong 11 đô thị cấp vùng của cả nước và được Chính phủ xác định là trung tâm kinh tế vùng, có vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trong chiến lược phát triển của tỉnh và vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ.
Bạn đang xem: Thành phố việt trì phú thọ
Thành phố Việt Trì có diện tích tự nhiên 11.175,0ha nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Phú Thọ, được bao bọc bởi 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Lô; dân số trung bình năm 2019 là 215.299 người, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 67.93%.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Trì khá hợp lý và toàn diện: Giá trị tăng thêm năm 2019 (theo giá so sánh 2010) đạt 8,7%; Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp và xây dựng 52,54%, dịch vụ 45,73%, nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,73%; Giá trị tăng thêm bình quân người/năm đạt 96,8 triệu đồng; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 9.020 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân: tỷ lệ các tuyến đường chính đô thị được chiếu sáng 100%; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,17%, giảm 0,06% so với năm 2016; Giải quyết việc làm cho 3.770 lao động; Cơ cấu lao động trong ngành Công nghiệp và xây dựng từ 43,2%, ngành dịch vụ 45,8%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 11%, Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,52; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 99%; Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt 96%.
II) Hiện trạng về các hoạt động trung tâm Lễ hội và giá trị của các thiết chế văn hóa:
1. Hiện trạng các hoạt động lễ hội:
- Tổng số có 35 lễ hội, trong đó cấp Trung ương và tỉnh quản lý 01 lễ hội (Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng), cấp thành phố 02 lễ hội (Lễ hội bơi chải truyền thống trên Sông Lô; lễ hội văn hóa dân gian đường phố); các lễ hội còn lại do cấp xã, phường và khu dân cư tổ chức.
- Các lễ hội được đánh giá nội dung hoạt động cơ bản tốt: Lễ hội Đền Hùng; Nghệ thuật trình diễn Hát Xoan; Nghệ thuật trình diễn bơi chải trong hội đền Tam Giang, phường Bạch Hạc; Lễ hội cướp bông ném chài đền Văn Luông, Hội đình Hùng Lô; Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa (được khôi phục lại từ năm 2018)…
- Các lễ hội hoạt động chưa đạt mục tiêu đề ra: Lễ hội rước giải- hóa giải, Lễ hội ông Khiu- Bà Khiu, Tế thánh hú cờ Thanh Đình…
- Các lễ hội thất truyền, chưa khôi phục được: Lễ hội cầu đinh (Phượng Lâu), Lễ cầu Xuân thu nhị kỳ (Hy Cương), Lễ hội chọi Trâu đình Hạ (Chu Hóa), Lễ Hạ điển- Đình Cổ tích (Hy Cương)…
2. Đánh giá về các di sản và thiết chế văn hóa.
- Tổng số di sản văn hóa là 164 di sản, trong đó:
- Di sản văn hóa vật thể: Theo số liệu khảo sát, kiểm kê năm 2015, trên địa bàn thành phố có 117 di sản văn hóa vật thể ( gồm: 37 đình, 20 đền, 37 chùa, 02 lăng, 01 di chỉ khảo cổ học, 04 di tích lưu niệm, 16 miếu). Đến nay có 54 di tích và cụm di tích đã được xếp hạng (gồm: 01 di tích xếp hạng cấp đặc biệt quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 40 di tích xếp hạng cấp tỉnhđược chia là 04 loại hình:
- (1) Loại hình di tích khảo cổ: Gồm các di tích từ thời kỳ đá cũ Sơn Vi tới các di tích thời đại đồng thau, sắt sớm. Đặc biệt là các di tích khảo cổ Làng Cả, Đồi Giàm, Gò Tro trên, Gò Tro dưới, Đồi Mã Lao…
- (2) Loại hình di tích lịch sử, gồm:
- – Di tích lưu niệm danh nhân: Các di tích gắn với sự kiện lịch sử hiện đại: Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Chu Hóa; Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quân khu Bộ Quân khu II…
- – Di tích lưu niệm sự kiện gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Khu di tích lịch sử Đền Hùng; di tích Đàn tịch điền phường Minh Nông; gắn lịch sử hiện đại: Di tích địa điểm lịch sử Nhà máy Điện Việt Trì phường Bến Gót.
- (3) Loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật gồm: cụm di tích Đền Tam Giang- Chùa Đại Bi, đình Bảo Đà, đình Hương Trầm, đền Vân Luông, đình Hùng Lô, đình Lâu Thượng… các di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII….
- (4) Loại hình danh lam thắng cảnh, bao gồm các danh thắng đẹp: Ngã ba sông Bạch Hạc, Núi Nghĩa Lĩnh, Công viên Văn Lang…
- Di sản văn hóa phi vật thể: Có 47 di sản thuộc 5 loại hình: 04 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn văn hóa dân gian, 04 di sản thuộc loại hình tập quán xã hội, 35 di sản thuộc loại hình Lễ hội truyền thống, 02 di sản thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, 02 di sản thuộc loại hình tri thức dân gian. Có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”.
- Các thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng, hiện đang sử dụng hiệu quả: Khu tíchlịch sử Quốc gia Đền Hùng; Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình Bảo Đà (phường Dữu Lâu), Đền Tam Giang và chùa Đại Bi (phường Bạch Hạc), đình Cổ Tích (xã Hy Cương), khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Chu Hóa), Đình ngoại Lâu Thượng (xã Trưng Vương), các di tích liên quan đến di sản hát Xoan (Miếu Lãi Lèn, Đình An Thái, Đình Kim Đới, Đình Thét); Đền Tiên (Tiên Cát).
- Các di tích lịch sử- văn hóa đã xuống cấp cần phải sửa chữa, tôn tạo: Khu di tích Khảo cổ Làng Cả; Khu di tích khảo cổ Đồi Giàm, cụm di tích Đình- miếu Phượng An (xã Phượng Lâu); Đền Thiên Cổ, đình nội Lâu Thượng (xã Trưng Vương); đình Hương Trầm (phường Dữu Lâu); miếu Cấm (xã Phượng Lâu); đền Vân Luông (phường Vân Phú)…
- Các di tích lịch sử- văn hóa cần khôi phục, xây dựng mới: Khu vực tổ chức Lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”, Miếu Lang Liêu, Lầu kến rể, làng Trầu, Cánh đồng lúa nếp, làng trồng quýt, Tổ tôm điếm, Khu du lịch sinh thái Đầm Mai; Hầu đồng…
- Đánh giá chung: Các di sản văn hóa luôn được các cấp, các ngành và cộng đồng dân bảo tồn và gìn giữ. Một số di tích đang trở thành những sản phẩm du lịch – văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp vào phát triển du lịch và kinh tế – xã hội, tạo được việc làm cho cộng đồng, nâng cao đời sống của nhân dân nơi có di tích và lễ hội, như: Khu di tích lịch sử Đền Hùng; các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với hát Xoan (đình Thét, đình Kim Đới, đình Bảo Đà…); Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (tại xã Chu Hóa). Tuy nhiên, có nhiều di sản chưa được quan tâm đúng mức, một số di sản đã bị mai một không được phục dựng lại; nguồn lực đầu tư các thiết chế văn hóa còn hạn chế, phần lớn các di tích cần tiếp tục được đầu tư tu bổ, tôn tạo…
III) Hiện trạng về hạ tầng kỹ thuật:
1. Hệ thống đường giao thông:
- Về hệ thống giao thông đối ngoại cũng như đối nội khá đa dạng về loại hình (gồm có cả đường bộ – đường cao tốc, đường sắt, đường thủy) đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.
- Thời gian qua trên địa bàn Thành phố đã đầu tư hoàn thành một số tuyến giao thông trọng điểm như đường Phù Đổng, đường Hùng Vương, đường Lạc Long Quân, đường Âu Cơ; cải tạo, nâng cấp một số đường: Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Hai Bà Trưng, Châu Phong, Tiên Dung…. góp phần hoàn chỉnh và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố, kết nối thuận tiện giữa trung tâm thành phố với trung tâm lễ hội khu du tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; 100% tuyến đường nội thị, liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa đảm bảo giao thông được thuận tiện, an toàn; tuy nhiên chưa xử lý được giao cắt đồng mức với đường sắt; thiếu bãi đỗ xe đạt tiêu chuẩn, bến xe bố trí vị trí chưa hợp lí, diện tích nhỏ; chất lượng các công trình còn ở mức độ trung bình và chưa phát huy hết tiềm năng giao thông đường thủy.
2. Cảnh quan đô thị:
- Được hình thành phát triển theo hướng thành phố công nghiệp trong những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà máy bố trí đều trên địa bàn thành phố, theo đó là các công trình dịch vụ được xây dựng tập trung xung quanh các nhà máy xí nghiệp, với hệ thống giao thông chủ yếu nhằm vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
- Tuy đã có bước phát triển, đầu tư đúng hướng nhưng vẫn chưa khai thác hết các lợi thế tiềm năng sẵn có để phát triển một nền kinh tế toàn diện, mạnh về du lịch, dịch vụ, thương mại; không gian hoạt động du lịch chủ yếu diễn ra tại Khu Đền Hùng, không gian du lịch chưa lan tỏa ra toàn không gian thành phố, từ làng nghề, lễ hội truyền thống ở nông thôn cho đến các điểm di tích, khu vui chơi giải trí, công viên, nơi có cảnh quan đẹp như sông Lô đều chưa được khai thác triệt để. Các không gian cửa ngõ chưa có cảnh quan thực sự hấp dẫn, chưa có các cơ sở khai thác lợi thế vùng hấp dẫn giao thông tương xứng tính chất cửa ngõ vùng thủ đô Hà Nội. Vẫn tồn tại một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong thành phố. Các khu phố cũ từng bước được chỉnh trang cải tạo, giảm mật độ dân số, tăng diện tích mặt nước và cây xanh trong các khu ở; Các dự án phát triển đô thị, nhà ở được quan tâm, thu hút đầu tư như: Khu đô thị mới Trưng Vương, khu đô thị mới Việt – Séc, khu nhà ở đô thị Nam Việt, khu đô thị mới Nam Minh Phương, khu đô thị mới Đông Nam Việt Trì, khu nhà ở đô thị Nam Đồng Lạc Ngàn, khu nhà ở đô thị Vân Phú, khu nhà ở đô thị tại Khu đất thu hồi của Trung tâm tin học ngoại ngữ,… các khu đô thị mới hình thành bộ mặt đô thị, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, tuy nhiên vẫn tồn tại một số khu chung cư xuống cấp. Một số dự án hạ tầng quan trọng như thoát nước thải, cấp nước đang trong giai đoạn triển khai, hệ thống đường dây điện có ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị.
- Do đó việc chuyển đổi từ thành phố công nghiệp lạc hậu sang thành phố du lịch dịch vụ là rất cần thiết: hạn chế thay đổi địa hình tự nhiên khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; Các ao hồ cũ, các vùng trũng thung lũng nhỏ cần được liên kết với nhau tạo hệ thống công viên cây xanh liên hoàn, tạo bản sắc đô thị vùng trung du. Các di tích lịch sử – văn hóa được quan tâm đầu tư khôi phục, tôn tạo; một số điểm di tích đã được xếp hạng, được lập quy hoạch chi tiết xây dựng.
- Các công trình công cộng được xây dựng khá hiện đại, tuy nhiên việc tạo dựng được bản sắc kiến trúc riêng mang đậm nét vùng trung du, đất tổ còn hạn chế.
3. Hệ thống cấp, thoát nước, xử lý môi trường:
- Cấp nước: Thành phố Việt Trì hiện đang khai thác nguồn nước mặt sông Lô cấp cho sinh hoạt và sản xuất với công trình đầu mối công suất thiết kế: 60.000 m3/ngày, công suất thực tế: 50.000 m3/ngày đủ điều kiện phục vụ nhu cầu và phát triển của thành phố. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt trên 99%.
- Thoát nước thải: Đang sử dụng hệ thống thoát chung cho cả nước mưa và nước thải; hiện trên địa bàn thành phố đang triển khai xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt công suất 5.000m3/ngàyđêm; 10.000m2/ngàyđêm thuộc dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì, dự kiến hoàn thành năm 2021; nước thải công nghiệp chưa có xử lý, riêng nước thải của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp Thụy Vân được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải của đơn vị đạt quy chuẩn cho phép sau đó được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Thụy Vân với công xuất 5.000m3/ngày, đêm, đảm bảo nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.
- Về môi trường: Tình trạng ô nhiễm không khí phát sinh chủ yếu từ hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng đô thị. Khu vực thành phố Việt Trì, đặc biệt là khu vực phía Tây Bắc thành phố là nơi tập trung nhiều nhà máy nhất, cũng là nơi có sự phát thải chất ô nhiễm môi trường nhiều nhất, theo kết quả quan trắc, chất lượng môi trường không khí xung quanh của nhiều cơ sở sản xuất về cơ bản là tốt, số liệu quan trắc khí thải các cơ sở đạt QCVN, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu phát sinh từ các nhà máy cũ, vận hành công nghệ lạc hậu. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý ở khu vực đô thị và khu dân cư tập trung ở nông thôn đến năm 2020 ước tính đạt 100%. Trên địa bàn thành phố có khu rừng quốc gia Đền Hùng được bảo tồn đa dạng sinh học tốt và có rất nhiều cây xanh cổ thụ, các hồ điều hòa đáp ứng nhiệm vụ điều hòa không khí cho thành phố.
Xem thêm: Nhà xe Hảo
4. Hệ thống cấp điện, thông tin, viễn thông:
- Hệ thống cấp điện: Cơ bản đủ điều kiện phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố, tuy nhiên do được đầu tư từ lâu nên nhiều tuyến dây cũ đi qua các khu dân cư, các tuyến phố đã cũ, gây ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố, nhiều đoạn hành lang tuyến dây bị vi phạm nghiêm trọng, cần có biện pháp thay thế (theo hướng đi ngầm) và cải tạo hoặc di dời.
- Thông tin, viễn thông: Hệ thống thông tin, viễn thông của thành phố chủ yếu gồm: Báo, đài truyền hình, truyền thanh, Internet, pano, ap phíc, báo đài điện tử và các phương tiện truyền tải thông tin đại chúng khác. Trong đó mạng Internet và truyền hình đã cung cấp rộng rãi đến người dùng, mạng Internet cáp đồng, cáp quang, và hệ thống mạng 3G, hệ thống mạng GPRS, định vị dẫn đường GPS với đa dạng nhà cung cấp Viettell telecom, VNPT. Mạng truyền hình kỹ thuật số mặt đất digital đã thay thế hoàn toàn mạng truyền hình cũ analog, các chương trình truyền hình phong phú hơn với các gói truyền hình nâng cao cáp quang, K+, truyền hình vệ tinh…. và các gói truyền hình thông qua Internet. Hệ thống thông tin, viễn thông cơ bản đáp ứng cho người dùng, đa dạng thông tin, phong phú về chương trình, chuyền tải thông tin nhanh chóng. Tuy nhiên, một số thông tin trên địa bàn thành phố còn ít; hệ thống bảng tin, chỉ dẫn tra cứu thông tin trên thành phố chưa được cập nhật, khó tra cứu, chưa trực quan dễ hiểu… một số khu vực vùng sâu, vùng xa hệ thống truyền tải thông tin còn chậm, nội dung chưa nhiều.
- Đang trong quá trình xây dựng và đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) để xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Đô thị thông minh năm 2020.
IV) Hiện trạng về hạ tầng xã hội:
1. Giáo dục – Đào tạo:
Hệ thống giáo dục nhìn chung đạt kết quả toàn diện cả về quy mô, loại hình đào tạo và chất lượng giáo dục; cơ sở hạ tầng giáo dục thường xuyên được quan tâm đầu tư xây dựng về mọi mặt, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học trong toàn thành phố (hiện nay trên địa bàn thành phố có 47 trường mầm non (công lập: 28, ngoài công lập 19); Tiểu học: 27 trường (công lập 26; ngoài công lập: 01); THCS: 23 trường công lập; THPT: 7 trường (4 công lập: Chuyên HV, C3 Việt Trì, C3 CNVT; C3 KTVT; 3 ngoài công lập: Vũ Thê Lang, Trần Phú, Nguyễn Tất Thành); 02 trường Phổ thông ngoài công lập có nhiều cấp học (Phổ thông Hermann, Phổ thông CLC Hùng Vương). Giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề, trên địa bàn thành phố có 03 trường đại học (Đại học Hùng Vương, Đại học Công nghiệp Việt Trì và Dự bị Đại học Dân tộc trung ương), 05 trường cao đẳng, 08 trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; đào tạo khoảng 22.000 sinh viên, học sinh mỗi năm. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục phổ thông mới được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chưa đầu tư đồng bộ trang thiết bị; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 93,8%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 73,5%; chất lượng giáo dục phổ thông chưa gắn chặt với định hướng nghề nghiệp. Giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề còn có sự chồng chéo đào tạo nghề giữa các trường; việc mở nhiều nghề mới chưa xuất phát từ nhu cầu xã hội; chất lượng giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề chưa được chú trọng, còn có hiện tượng chạy theo số lượng mà không quan tâm đúng mức đến chất lượng đầu vào khi tuyển sinh.
2. Y tế:
Hệ thống cơ sở y tế ở thành phố Việt Trì đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; trên địa bàn Thành phố hiện có 05 bệnh viện (Bệnh viện đa khoa Tỉnh, Bệnh viện mắt, Bệnh viện y học cổ truyền- PHCN, Bệnh viện Xây dựng Việt Trì, Bệnh viện Công an Tỉnh), 03 Trung tâm (Trung tâm Y tế thành phố, Trung tâm kiểm soát bệnh tật; Trung tâm dân số- kế hoạch hóa gia đình), 22 trạm y tế phường, xã, với 2.436 giường bệnh. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố còn có 284 cơ sở y, dược và chăm sóc sức khỏe ngoài công lập.
Chất lượng khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ rõ rệt. Kết quả khám chữa bệnh, phòng bệnh tại trạm y tế các phường, xã và các cơ sở y tế ngoài công lập thực hiện tốt, công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi duy trì thường xuyên, có hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ y bác sỹ và cơ sở vật chất và trang thiết bị của các bệnh viện và y tế cơ sở đã được đầu tư vẫn cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp và bổ sung trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú thọ và thành phố Việt Trì.
Tuy nhiên: Với cơ sở vật chất và trang thiết bị của các bệnh viện đã được đầu tư vẫn cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp và bổ sung trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện để Việt Trì đảm nhiệm chức năng bệnh viện vùng trung du miền núi phía Bắc, giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Một số dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân; thiếu nhân lực ngành y tế có chuyên môn cao; tinh thần thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế còn hạn chế.
3. Cơ sở văn hóa – Thể dục thể thao:
Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ bản tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân; đảm bảo tính bền vững, ổn định về kết cấu cũng như đảm bảo về mỹ quan công trình. Cơ sở văn hóa hiện có gồm: Trung tâm hội nghị tỉnh quy mô 500 chỗ, nhà văn hóa lao động tỉnh Phú Thọ, nhà văn hóa thành phố Việt Trì, trung tâm văn hóa thanh thiếu niên Hùng Vương, bảo tàng Hùng Vương, bảo tàng Quân khu II, trung tâm triển lãm, nghệ thuật; thư viện, các rạp chiếu phim (như: rạp Hòa Phong và rạp Long Châu Sa). Các trung tâm thể dục thể thao cấp tỉnh (sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi), cấp thành phố (sân vận động, sân tập golf, sân tennis) đảm bảo điều kiện tổ chức các sự kiện và thi đấu thể dục thể thao cấp quốc gia (giải Bóng chuyền Hùng Vương); ngoài ra, thành phố còn có: 29 sân quần vợt, 22 bể bơi, 27 sân bóng đá mini, 1.720 sân bóng chuyền, 1.950 sân cầu lông, 17 sân bóng rổ, 57 nhà tập luyện thể thao ở các cơ quan đơn vị, trường học, khu dân cư đảm bảo điều kiện đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của nhân dân.
Tuy nhiên: Các cơ sở vật chất được đầu tư đã lâu, chưa thường xuyên duy tu bảo dưỡng nên đã xuống cấp, cần đầu tư cải tạo, chỉnh trang Khu Liên hiệp thể dục thể thao tỉnh gắn kết với trung tâm giải trí thể thao và khu các hoạt động văn hóa ngoài trời tại công viên Văn Lang; xây dựng hoàn chỉnh các công trình thể thao trong các khu đô thị, khu dân cư cũ và các trường học theo tiêu chuẩn đô thị loại 1.
Tham khảo: 10 địa điểm du lịch ở Cà Mau nổi tiếng nhất
4. Hệ thống cơ sở thương mại, dịch vụ:
Thành phố Việt Trì đã cơ bản hình thành hệ thống mạng lưới kinh doanh thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ; trên địa bàn thành phố có trên 5.000 cơ sở kinh doanh, dịch vụ thương mại, du lịch. Trong thời gian qua, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại phát triển: Trung tâm thương mại Big C Việt Trì; Trung tâm dịch vụ Vincom. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng phát triển mạnh: Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại dịch vụ 5 sao Mường Thanh- Việt Trì, Khách sạn 5 sao Sài Gòn- Việt Trì, Khách sạn Việt Trì Garden 4 sao, khu du lịch sinh thái Budapest và nhiều khách sạn khác đạt tiêu chuẩn cơ bản cơ bản đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ cho khách thăm quan du lịch. Các dự án phát triển du lịch bước đầu được triển khai xây dựng nhằm từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của thành phố Việt Trì như: khu di tích lịch sử Đền Hùng, một số hạng mục khu du lịch Văn Lang… Tuy nhiên, với tiềm năng phát triển du lịch lớn đặc biệt là Khu di tích Đền Hùng đòi hỏi thành phố Việt Trì phải quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển hơn nữa.
5. Nhà ở và công trình dân dụng:
Phân bố các loại hình nhà ở trên địa bàn thành phố khá đa dạng về chủng loại, cấu trúc. Khu vực nội thành, nhà ở liền kề dạng ống tập trung chủ yếu ở dọc các tuyến phố, trục đường chính như đường Hùng Vương, Trần Phú, Châu Phong, Hòa Phòng… với mặt tiền khá rộng, kết hợp giữa sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ; Nhà ở 1-3 tầng kết hợp vườn cây, nằm rải rác trong các khu dân cư; Nhà biệt thự phân bố tại các khu đô thị mới. Nhà ở tại khu vực các xã ngoại thành: có vườn trong khuôn viên ở, kết hợp các công trình phụ khác theo mô hình VAC. Tuy nhiên, hiện nay các nhà ở tập thể 4-5 tầng chủ yếu phục vụ công nhân các xí nghiệp, công nghiệp, học sinh, sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đã xuống cấp cả về chất lượng và hình thức kiến trúc; sự kiểm soát về mật độ xây dựng, tầng cao, chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật, quản lý quy hoạch đối với nhà ở dân cư tự xây của chính quyền vẫn còn lỏng lẻo.
6. Các công trình cơ quan hành chính, dịch vụ công:
Trên địa bàn thành phố có 02 trung tâm hành chính, chính trị: Trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh (bao gồm trụ sở Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở ban ngành đoàn thể) đã được hình thành chủ yếu trên trục đường Nguyễn Tất Thành từ nút C4 đến C8 và trên trục đường Trần Phú đoạn từ đường Hùng Vương đến Công an tỉnh; cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện về kiến trúc công trình cũng như cảnh quan cây xanh khuôn viên, tạo được diện mạo kiến trúc cảnh quan trung tâm hành chính chính trị. Trung tâm hành chính, chính trị thành phố (như Thành ủy – HĐND, UBND thành phố; viện kiểm sát, tòa án) đã được xây dựng trên trục đường Hùng Vương; cơ sở vật chất cơ bản được xây dựng hoàn thiện, đảm bảo hoạt động tốt.
V) Đánh giá về nguồn nhân lực:
1. Đối với công tác quản lý, tổ chức:
Trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý nhà nước, quản trị kinh doanh ngày một nâng cao, đặc biệt đội ngũ quản lý văn hóa, đạo diễn; đội ngũ quản lý du lịch, hướng dẫn viên… số lượng cán bộ quản lý được đào tạo đúng chuyên ngành ngày càng tăng, có năng lực, nhiệt huyết với công việc; có tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, tích cực nghiên cứu, rèn luyện nâng cao kiến thức. Bên cạnh những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều cống hiến và những nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân tuy tuổi cao, vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tạo và cống hiến, đã xuất hiện những lao động trẻ, được đào tạo cơ bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm, trình độ nhiều mặt tiếp thu nhanh kiến thức mới.. đã góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động của các lễ hội nói riêng và của sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Tuy nhiên đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn thiếu và chưa đồng bộ đặc biệt là cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa, du lịch ở xã phường thường kiêm nhiệm; Cán bộ quản trị kinh doanh du lịch dịch vụ chưa được đào tạo chuyên sâu; Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ tổ chức văn hóa du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghề chưa thuần thục, khả năng sử dụng ngoại ngữ kém…Phần lớn cán bộ làm công tác quản lý lễ hội trực tiếp ở phường, xã là những người cao tuổi, cán bộ hưu trí có một chút am hiểu về lễ hội và cán bộ văn hóa, trong khi đó khối lượng công việc họ phải đảm nhiệm lớn và có tính đặc thù nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tổ chức các hoạt động Lễ hội.
2. Đối với việc thực hiện các nghi lễ:
Nhân lực thực hiện nghi lễ đã phát huy vai trò làm chủ sinh hoạt diễn xướng, thực hành nghi lễ truyền thống nhằm bảo đảm tính đa dạng văn hóa và bản sắc vùng miền; thể hiện vai trò, trách nhiệm, có kỹ năng thực hành và tự trình diễn. Số lượng nghệ nhân và những người tham gia thực hiện các nghi lễ ngày càng tăng, trong đó đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, tự nguyện của đông đảo tầng lớp thanh thiếu niên trên địa bàn, họ coi đây là hoạt động quan trọng là một phần trong đời sống văn hóa hàng ngày. Họ chính là nhữnglà thực thể sáng tạo – thực hành – trao truyền di sản văn hóa thời đại Hùng Vương. Song do chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, một số nghi thức lễ chưa được chuẩn hóa và một số ít người dân chạy theo “phong trào” nên ảnh hưởng không nhỏ đến sự tôn nghiêm, chất lượng của các hoạt động lễ hội.
3. Sự tham gia của người dân:
Nhận thức của người dân trên địa bàn về phát triển văn hóa, du lịch vụ ngày càng được nâng cao, bởi họ hiểu đúng về du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng giúp họ có việc làm và tăng thu nhập. Người dân ngày càng tham gia nhiệt tình vào các hoạt động văn hóa du lịch, dịch vụ; đặc biệt là sự tham gia của người dân vào quá trình quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn góp phần bảo vệ các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển du lịch dịch vụ. Ý thức về cung cách ứng xử, thái độ phục vụ du khách thập phương, bạn bè quốc tế được nâng cao; tính kỷ luật trong thực hiện bảo vệ cảnh quan môi trường được chú trọng. Tuy nhiên, không ít người dân chưa ý thức được tầm quan trọng, sự ảnh hưởng trực tiếp của phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ; tách dời các hoạt động trung tâm lễ hội với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày; thiếu những các kỹ năng, kiến thức để phục vụ, phát triển văn hóa gắn với du lịch, văn hóa gắn với dịch vụ.
Đang hot: Xe đi Sapa đường cao tốc: Tổng hợp top 3 xe khách chất lượng
Ý kiến bạn đọc (0)