Homestay

Giới thiệu khái quát huyện Lâm Hà

656

Giới thiệu khái quát huyện Lâm Hà

Huyện Lâm Hà nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng, ở tọa độ vĩ tuyến 11040’ – 12005’, kinh tuyến 107057’ – 108025’. Phía Bắc giáp thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương, phía Nam giáp huyện Di Linh, phía Đông giáp huyện Đức Trọng, phía Tây giáp huyện Đam Rông và tỉnh Đắk Nông. Diện tích tự nhiên là 60.000 ha, chiếm khoảng 10% diện tích tỉnh Lâm Đồng.

Lâm Hà nằm trên cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang, có độ cao trung bình trên 900m so với mực nước biển. Địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, có 3 dạng địa hình chính: dốc núi cao, đồi thấp và thung lũng. Lâm Hà có các loại đất chính đó là đất phù sa, đất dốc tụ, trong đó đất đỏ Bazan phù hợp với việc trồng các loại cây như chè, cà phê, dâu tằm.

Bạn đang xem: Thị trấn lâm hà

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu có hai mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.700ml/năm, độ ẩm trung bình khoảng 80%, biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm khoảng 100C, một ngày có đặc điểm khí hậu của 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 210C – 220C, tháng 12 và tháng 1 có nhiệt độ trung bình thấp nhất khoảng 180C – 190C và tháng 4, tháng 5 có nhiệt độ trung bình cao nhất khoảng 240C – 250C. Khí hậu ôn hòa mát mẻ, độ ẩm cao thuận lợi cho sức khỏe con người và trồng trọt, chăn nuôi, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.

huyenlamha - Giới thiệu khái quát huyện Lâm Hà

Lâm Hà có nhiều sông, suối bắt nguồn từ các vùng núi cao. Sông Đạ Dâng bắt nguồn từ vùng núi Lang Biang chảy theo hướng Đông – Nam; Suối Cam Ly, Đạ Mê, Đạ SeĐang Chảy theo hướng Bắc – Nam. Các dòng sông, suối trên địa bàn huyện là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là tiềm năng để xây dựng các nhà máy thuỷ điện, xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất và đời sống. Ngoài hệ thống sông, suối, Lâm Hà còn nhiều đầm, hồ với hơn 1.800 ha mặt nước như hồ Đạ Sa ở Liên Hà, hồ Ri hin, hồ Đa Dưng, hồ Phúc Thọ ở Phúc Thọ, hồ Tân Thanh, hồ Bãi Công ở Nam Ban.

Hệ thống sông nước đa dạng tạo nên các ngọn thác đẹp như thác Voi ở Nam Ban, thác LiêngTrênha ở Tân Thanh, thác Cam Ly ở Mê Linh… các ngọn thác này tạo ra tiềm năng về phát triển du lịch, hiện nay thác Voi đã được nhà nước xếp hạng thắng cảnh quốc gia.

Rừng của huyện Lâm Hà chiếm diện tích 57,34% diện tích tự nhiên với 90.977,21ha. Ðộ che phủ của rừng tương đối lớn, trữ lượng gỗ đạt 7 triệu m3 và tre nứa các loại. Có nhiều loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, trắc, gõ, sao, xá xị. Ðặc biệt còn có nhiều loại dược liệu tự nhiên và có khả năng trồng với diện tích lớn như: Sâm Bố Chính, Sâm Cau, Tam Thất, Canh Ki Na, Quế. .vv. Những điều kiện đó cho phép Lâm Hà thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về Lâm nghiệp, thực hiện khoanh nuôi, tu bổ, cải tạo và trồng rừng.

Về khoáng sản, Lâm Hà không có nhiều khoáng sản như một số địa phương khác. Khoáng sản chủ yếu là đất cao lanh, đá, cát để sản xuất vật liệu xây dựng.

Hệ sinh thái của Lâm Hà phong phú, đa dạng. Theo thống kê năm 2009, toàn huyện có 48.090 ha đất nông nghiệp trong đó 41.116 ha trồng cây công nghiệp, 1.649 ha lúa nước, 1.309 ha mặt nước và nuôi trồng thủy sản; 22.010 ha rừng gồm rừng hỗn giao, rừng lá kim, rừng lá rộng với nhiều động vật quý hiếm và có giá trị. Với hệ động thực vật phong phú là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, phát triển cây công nghiệp như cà phê, chè, dâu tằm và phát triển bảo tồn rừng phòng hộ, rừng sản xuất tạo điều kiện cho huyện phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn với môi trường sinh thái bền vững.

Về dân cư: khai quật di chỉ tại xã Gia Lâm, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra các dụng cụ sinh hoạt bằng đá như rìu tay, đá ba mặt mũi nhọn, nạo, hòn đá ném, vòng trang sức bằng đá …, chứng minh trong thời kỳ đồ đá người nguyên thủy đã sống ở nơi đây. Phân tích khảo cổ học, nguồn gốc dân cư bản địa là chủng người Anhđônêdian, chủng người được kết hợp hỗn giao giữa chủng người Môngôlôit di chuyển từ phương Nam đến và chủng người Ôxtralôit có nguồn gốc hải đảo; Trong quá trình phát triển cộng đồng người Anhđônêdian từng vùng có những đặc trưng nổi trội khác nhau từng mặt, ngôn ngữ có nơi theo nhóm ngữ hệ MônKhơme, có nơi theo nhóm ngữ hệ Malayo-Pôlinisia. Từ những đặc trưng đó, tạo nên các dân tộc bản địa khác nhau như K’ho, Mạ, M’nông; với đặc điểm da đen, tóc quăn, mũi lớn và thấp, vóc người thấp, sống du canh du cư. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương, chính sách định canh định cư của Đảng, cuộc sống các dân tộc bản địa đã từng bước ổn định.

Về dân tộc: Theo thống kê năm 2009, Lâm Hà có 30 dân tộc sống xen kẽ ở 16 xã, thị trấn. Trong đó có dân tộc K’ho, Mạ là dân tộc gốc Tây Nguyên. Trải qua quá trình lịch sử, các dân tộc khác như: Mơnông, Churu, Raglây, Xtiêng… di cư đến sinh sống tạo nên cộng đồng dân tộc bản địa đa dạng, phong phú, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Sau năm 1975, một bộ phận các dân tộc thiểu số phía Bắc như Thái, Tày, Nùng, Thổ, Dao …từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên quang, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh di cư vào Lâm Hà sinh sống tại các xã Phi Tô, Tân Văn, Tân Thanh, Phúc Thọ, Liên Hà.

Dân tộc K’ho, theo tiếng Chăm cổ K’ho có nghĩa là người ở trên cao, người miền núi, là dân tộc bản địa có dân số đông nhất tại huyện Lâm Hà với dân số 17.146 người sống ở các xã, thị trấn (thị trấn Đinh Văn, Phú Sơn, Đạ Đờn, Phi Tô, Mê Linh, Tân Thanh, Đan Phượng). Truyền thống dân tộc K’ho theo chế độ mẫu hệ, con cái sinh ra được lấy họ mẹ, con gái cưới chồng và được quyền thừa kế tài sản, chú rể sau hôn lễ phải về ở bên nhà vợ; Tập tục cổ truyền người K’ho tuyệt đối cấm kỵ việc kết hôn giữa người trong cùng một dòng họ, nhất là cùng một địa phương. Cồng chiêng, các loại khèn cùng với các làn điệu dân ca, điệu nhảy, điệu múa nhẹ nhàng uyển chuyển là đặc trưng nổi bật trong văn hoá của ngưởi K Ho; tư liệu sinh hoạt truyền thống ngoài những dụng cụ sản xuất còn có ché, nồi đồng. Người K’ho có nhiều nghề thủ công, phổ biến nhất là dệt thổ cẩm để mặc và trao đổi, đan lát đồ mây tre, cói và chế tạo nông cụ sản xuất. Người K’ho đa số theo đạo công giáo. Đến nay các phong tục cổ truyền của người K’ho tiếp tục được bảo tồn, đời sống vật chất văn hóa tinh thần của người K’ho đã được nâng lên và đang từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Dân Tộc Mạ, hiện có khoảng 1.781 người, sống chủ yếu ở xã Đạ Đờn, Phúc Thọ. Trước đây cư dân người Mạ sống du canh, du cư, phá rừng làm rẫy và săn bắn hái lượm. Lúa rẫy là cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi chủ yếu là lợn, dê, bò, trâu, gà vịt để giết thịt và phục vụ các lễ hiến sinh, chưa biết dùng trâu bò để làm sức kéo.

Tín ngưỡng truyền thống của người Mạ trước đây cũng giống như người K’ho, người Mạ tin vào thần Nđu là vị thần sáng tạo, các vị thần nông nghiệp như thần lúa (YangKoi), thần rừng (YangBri), thần núi (YangBnơm), thần lửa (Yang Us) …vv với các lễ cúng hồn lúa (LeYangTuýtCoi), lễ cúng cơm mới (LirBôông) và các lễ hiến sinh bằng nghi thức đâm trâu, đốt lửa, nhảy múa, cồng chiêng vào các dịp lễ. Với truyền thống văn hoá nghệ thuật dân gian phong phú, đến nay vẫn được bảo tồn, các hủ tục lạc hậu đang dần được xoá bỏ, đặc biệt là hủ tục ó ma lai; cuộc sống đồng bào dân tộc Mạ ngày càng phát triển góp phần vào sự phát triển chung của huyện Lâm Hà.

Mỗi một dân tộc có truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán khác nhau, cho đến nay các dân tộc thiểu số phía Bắc vẫn giữ được nét văn hoá đặc trưng của từng dân tộc, tạo nên sự phong phú đa dạng của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam sinh sống trên quê hương Lâm Hà.

Người Kinh đến sinh sống trên vùng đất Lâm Hà ở 5 thời điểm chính. Trước năm 1945, một bộ phận đi làm phu cho Pháp (chủ yếu là giai đoạn 1929-1945) để làm đường giao thông, khai thác chế biến tài nguyên rừng, lập đồn điền cà phê, chè. Sau cách mạng tháng 8-1945, một bộ phận dân cư ở lại sinh cơ lập nghiệp. Tập trung chủ yếu ở xã Phú Sơn, Đạ Đờn, Đinh Văn dọc theo quốc lộ 27. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, một bộ phận đồng bào theo đạo công giáo, thân nhân những người đi lính, đi phu cho Pháp và làm việc cho chế độ phong kiến bị dụ dỗ, cưỡng ép di cư. Trước 1975, đồng bào các tỉnh duyên hải miền trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên … do chế độ Mỹ ngụy khủng bố, đàn áp, bắt lính nên một bộ phận dân cư tiếp tục di cư lánh nạn. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước phân bổ lại lao động và dân cư, tạo thế chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn Tây Nguyên. Tại huyện Đức Trọng (cũ), lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch đưa dân vào xây dựng vùng kinh tế mới tại vùng Nam Ban, Lán Tranh. Tỉnh Lâm Đồng thực hiện chương trình dãn dân ở Tùng Nghĩa, Liên Hiệp, Bình Thạnh vào Phi Tô, Tân Văn, Đạ Đờn; Dãn dân ở Đà Lạt vào Đinh Văn. Ngoài các đợt bố trí sắp xếp lại dân cư theo kế hoạch, trong giai đoạn 1980 đến năm 2000 một bộ phận không nhỏ dân cư từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã vào sinh cơ lập nghiệp tại huyện Lâm Hà.

Dân cư từ các vùng miền trên cả nước đến sinh cơ lập nghiệp, sinh sống đan xen, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền có truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán, trình độ phát triển kinh tế – xã hội khác nhau, hoàn cảnh lịch sử và lý do di cư khác nhau. Song các dân tộc anh em sống trên địa bàn huyện đều giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ để đấu tranh chống lại kẻ thù chung của dân tộc, giành độc lập tự do và xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Về Tôn giáo, huyện Lâm Hà có 4 Tôn giáo chính, đó là Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài. Trong những năm gần đây các cơ sở tôn giáo được sự quan tâm của chính quyền các cấp đã tổ chức xây dựng, chỉnh trang các cơ sở thờ tự, thành lập thêm các Chi hội Tin lành, giáo xứ … củng cố tổ chức để hoạt động theo quy định của pháp luật và giáo lý, giáo luật với phương châm sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết, gắn bó để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đọc thêm: Xem Nhiều 3/2022 Giá Xe Máy Honda Tại Nghệ An Mới Nhất Top Trend

Hệ thống giao thông, Lâm Hà có trục đường chiến lược chính là quốc lộ 27 nối với Quốc lộ 20 ở ngã ba Liên Khương đi thành phố Buôn Ma Thuột, đoạn qua địa phận Lâm Hà dài 40 km. Ðây là tuyến đường quan trọng nối với các xã vùng sâu, vùng xa ở phía Bắc. Tỉnh lộ 725 nối Lâm Hà với thành phố Ðà Lạt, trong đó có 29 km đi qua địa phận Lâm Hà, được chia làm hai đoạn, nối quốc lộ 27 ở N’Thol Hạ đi Tà Nung và nối với quốc lộ 27 ở Ðinh Văn đi Tân Hà, đây là tuyến đường nối liền trung tâm huyện với hai vùng kinh tế quan trọng của huyện là Nam Ban và Lán Tranh. Toàn huyện đã xây dựng được mạng lưới giao thông với tổng chiều dài khoảng 800 km, bảo đảm ôtô chạy đến tất cả các xã trong huyện.

Về hành chính, từ Thế kỷ XVII, vùng đất này vẫn còn rừng núi hoang vu, dân số rất ít, thuộc trấn Thuận Thành. Năm 1697, bỏ trấn Thuận Thành và lập phủ Bình Thuận. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) thành lập tỉnh Bình Thuận, gồm có 2 phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận, vùng đất Lâm Hà thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận.

Năm 1920, tỉnh Đồng Nai Thượng được tái thành lập, Lâm Hà thuộc tổng Bình Thạnh. Tháng 5-1958, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh 261/NV thành lập tỉnh Tuyên Đức gồm 3 quận: Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương. Vùng Lâm Hà thuộc tổng Đinh Tân, quận Đức Trọng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa bàn Lâm Hà thuộc huyện Đức Trọng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Tuyên Đức, Tháng 9-1963, Tỉnh ủy Tuyên Đức giải thể, các xã vùng Tây Bắc của huyện Đức Trọng được chuyển giao cho tỉnh Quảng Đức quản lý; tháng 5 năm 1965, Tỉnh ủy Tuyên Đức được thành lập trở lại, toàn bộ vùng đất này thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Tuyên Đức.

Tháng 5-1976, sáp nhập 2 xã Tuerlang Tho và Tuerlang Deung thành xã Đạ Đờn; năm 1977 tách xã Đinh Văn thành 2 xã Đinh Văn và xã Tân Văn, sáp nhập vùng PhiSron và Prijong Tho thành xã Phi Tô.

Ngày 24-10-1987, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 157-QĐ/HĐBT thành lập huyện Lâm Hà, gồm 16 đơn vị hành chính trên cơ sở lấyVùng kinh tế mới Hà Nội làm nòng cốt và 5 xã phía Bắc huyện Đức Trọng đó là thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Đờn, xã Tân Văn, xã Phú Sơn, xã Phi Tô; thành lập thêm 3 xã mới: xã Phi Liêng, xã Liêng Sron, xã Ro Men (một bộ phận huyện Đam Rông ngày nay) và vùng kinh tế mới tại Lâm Đồng gồm các xã Mê Linh, xã Gia Lâm, xã Đông Thanh, thị trấn Nam Ban, xã Tân Hà, xã Hoài Đức, xã Phúc Thọ, xã Đan Phượng và xã Tân Thanh.

Năm 1997, thành lập xã ĐạKnàng trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Phi Liêng, Liêng Srôn.

Năm 1999, thành lập xã Liên Hà trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Tân Hà, xã Hoài Đức. Năm 2003, tách thị trấn Nam Ban thành 2 đơn vị hành chính là thị trấn Nam Ban và xã Nam Hà. Đến năm 2004, toàn huyện Lâm Hà có 20 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn và 18 xã, diện tích tự nhiên 1.586,52 km2, dân số gần 150.000 người.

Ngày 17-11-2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 189/2004 /NĐ-CP về việc tách 4 xã phía bắc huyện Lâm Hà là Phi Liêng, Liêng Srôn, Đạ Knàng, Rô Men và 3 xã của huyện Lạc Dương để thành lập huyện Đam Rông. Sau khi chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Lâm Hà có 16 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn : Đinh Văn, Nam Ban và 14 xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà, Tân Văn, Đạ Đờn, Phi Tô, Phú Sơn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh với diện tích tự nhiên là 998 km2, dân số 137.000 người (tháng 4-2009).

II. Truyền thống đấu tranh cách mạng trên vùng đất Lâm Hà

Sống dưới ách thống trị, áp bức của chế độ thực dân phong kiến, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trên vùng đất Lâm Hà đã tích cực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Nơ Trang Long vào năm 1914. Đặc biệt là chịu ảnh hưởng của phong trào Mộ Cộ của đồng bào dân tộc K’Ho ở Di Linh năm 1937 – 1938.

Ngày 23-8-1945, thành phố Đà Lạt khởi nghĩa giành chính quyền, sáng 24 tháng 8 tổ chức mít tinh và ra mắt Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên. Tại La Ba (Phú Sơn), sáng ngày 25-8-1945, sau khi từ Đà Lạt trở về, ông Trương Văn Dần và ông Hai Lễ (hai ông là người Phú Sơn) đã nhanh chóng loan tin báo Đà Lạt đã khởi nghĩa giành thắng lợi và đã thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi nhân dân nổi dậy giành chính quyền thắng lợi ở La Ba.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, ngày 26 tháng 9 chiến sự lan rộng đến 2 tỉnh Đồng Nai thượng và Lâm Viên, quân Nhật đồn trú tại Liên Khàng một mặt không chịu giao nộp vũ khí, một mặt ra sức sửa sang hầm hào, lập thêm đồn bốt dọc quốc lộ 21 bis, đưa ra yêu sách đòi chính quyền cách mạng giao nộp vũ khí… Tình hình hết sức khó khăn cho chính quyền cách mạng lúc bấy giờ.

Ngày 3-10-1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Lâm Viên quyết định chuyển một trung đội tự vệ La Ba lên vùng thác Cam Ly phối hợp với quân và dân Đà Lạt chiến đấu chống Nhật. Cuối tháng 12-1945 lực lượng tự vệ Đa Thành, Cam Ly sau khi rút vào Tà Nung để bảo vệ hệ thống kho tàng cũng được lệnh rút lui vào La Ba để thành lập đơn vị tự vệ chiến đấu. Nhiệm vụ của đơn vị này là xây dựng phòng tuyến cố thủ trên km 42 đường 21 bis, chặn đánh địch từ các hướng Liên Khàng vào và từ Buôn Ma Thuột đánh xuống, đồng thời vận chuyển lương thực từ kho Tà Nung vào căn cứ.

Ngày 27-1-1946, sau khi đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ, thực dân Pháp phối hợp với quân Nhật tấn công tỉnh Đồng Nai thượng và tỉnh Lâm Viên. Từ đây sự liên lạc của lực lương vũ trang La Ba với cấp trên bị cắt đứt, đến tháng 4 năm 1946 đơn vị tự giải tán, phần lớn anh em chiến sĩ về địa phương sinh sống, còn lại khoảng 60 đồng chí rút vào Prơteng lập căn cứ, tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh đang hoạt động ở Đà Lạt. Bộ phận chặn đánh địch ở cầu Đạ Đờn được lệnh phá cầu và rút toàn bộ lực lượng về tăng cường cho hướng Tây Bắc.

Quá trình xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang La Ba mãi mãi là niềm tự hào, là nét đẹp truyền thống trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Đức Trọng (cũ) và huyện Lâm Hà ngày nay.

Giữa năm 1946, Ủy ban kháng chiến tỉnh Lâm Viên ra chỉ thị về xây dựng phong trào Gia Thạnh, La Ba. Đến cuối năm 1946, cơ sở cách mạng trong quần chúng đã được hình thành ở hầu hết các xã Gia Thạnh, La Ba, Phú Hội, Phi Nôm, đường dây liên lạc giữa các vùng được tái lập, bắt đầu hoạt động thông suốt.

Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đồng bào các dân tộc trên địa bàn Lâm Hà cùng nhân dân cả nước lại đứng lên với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nộ lệ”.

Đọc thêm: 2 loại chè Mộc Châu bạn nhất định phải mua làm quà

Tháng 10-1947, theo quyết định của cấp trên, một số cán bộ được tăng cường về chỉ đạo phong trào La Ba, chuẩn bị điều kiện xây dựng chiến khu của tỉnh. Sau một thời gian vận động quần chúng tại Gia Thạnh, Phú Mỹ phong trào tiếp tục lan rộng đến các khu vực Lạc Sơn, Bằng Tiên, Prơteng …

Cuối năm 1947, một trung đội cảnh sát cùng với lính đồn La Ba càn quét vào chiến khu của ta, bắt đi nhiều cơ sở. Cũng trong thời gian này tại Gia Thạnh, Phú Hội địch tổ chức phục kích, truy lùng cán bộ của ta, tháng 8-1948, địch liên tiếp bao vây đánh phá chiến khu và đội công tác 500 đóng ở Phú Mỹ (Phú Sơn). Ác liệt nhất là trận tập kích bất ngờ vào 5 giớ sáng ngày 25- 9-1948 địch đã đánh úp chiến khu của ta, nhiều chiến sĩ, cán bộ của ta bị bắt và thủ tiêu, đồng chí Phan Như Thạch, Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Lâm Viên cũng bị bắt trong trận này. Phong trào cách mạng trên địa bàn một lần nữa bị đứt liên lạc với cấp trên.

Giữa năm 1950, chi bộ Đảng cộng sản Gia Thạnh ra đời gồm có 4 đảng viên. Đồng chí Lương Bành làm Bí thư Chi bộ và các đảng viên là đồng chí Tư, đồng chí Sửu và đồng chí Lương Thuận. Vừa mới ra đời, chi bộ Gia Thạnh cùng với chi bộ đội công tác do đồng chí Đinh Sỹ Uẩn làm Bí thư đã xây dựng thêm nhiều cơ sở ở Phú Sơn, Phú Hội và công nhân làm việc trong sân bay Liên Khàng. Cuối năm 1950, ta phát triển được 6 Đảng viên, đặc biệt chi bộ Gia Thạnh đã kết nạp được 1 đảng viên là người dân tộc thiểu số.

Quá trình ra đời, đấu tranh và tồn tại của chi bộ Gia Thạnh tuy không dài, song cán bộ, đảng viên, cơ sở cốt cán của cách mạng đã nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoạt động của chi bộ đã thu hút được đông đảo nhân dân các dân tộc tham gia kháng chiến, xây dựng vùng Gia Thạnh trở thành bàn đạp để phát triển phong trào cách mạng kháng chiến trong vùng. Vai trò, vị trí và sự đóng góp của chi bộ Gia Thạnh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống chính trị của đồng bào các dân tộc huyện Chiến Đấu. Đó là chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở huyện Chiến Đấu, nay là huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà.

Tháng 10-1950, Hội nghị hợp nhất 2 tỉnh lâm Viên và Đồng Nai thượng tại vùng Ô Rô thuộc chiến khu Lê Hồng Phong (Bình Thuận) để thành lập tỉnh Lâm Đồng. Sau hội nghị, Ban cán sự tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng, sắp xếp, củng cố đội vũ trang tuyên truyền và thành lập 6 đội vũ trang tuyên truyền, biên chế mỗi đội từ 20 đến 30 chiến sĩ, được phân công hoạt động trên các địa bàn, đội thứ 3 tiến lên hướng Tây Bắc Đà Lạt, Liên Khàng, Đinh Văn, La Ba và bắt liên lạc với Đắc Lắc.

Cuối năm 1951, Ban cán sự Đảng Cực Nam thực hiện chủ trương chuyển hướng phương châm, phương thức hoạt động với chiến trường Lâm Đồng, với phương châm “Kiên trì vận động cách mạng, tiếp tục gây cơ sở”, giải tán các đội vũ trang để thành lập các đội xây dựng cơ sở hoạt động sâu trong vùng đồng bào dân tộc. Giữa năm 1952, tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Liên khu V, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã trao tặng cờ danh dự cho đội công tác La Ba với dòng chữ “Kiên trì bám cơ sở, mở rộng phong trào vận động cách mạng trong đồng bào dân tộc”.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi nước ta tạm thời chia làm 2 miền, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ cách mạng, cuối năm 1954, Ban cán sự Đảng Cực Nam bố trí một số cán bộ trở lại Đà Lạt hoạt động để móc nối lại những cơ sở cách mạng trong nội đô và vùng ven, từ đó tạo bàn đạp bắt liên lạc và khôi phục lại phong trào ở La Ba (Phú Sơn), Đạ Prết.

Tháng 01-1959, sau khi có Nghị quyết 15 (Khoá II) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhiệm vụ nối thông đường hành lang chiến lược càng trở nên cấp bách. Đây là con đường huyết mạch tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, cuối năm 1959, Trung ương và Liên Khu uỷ V tăng cường lực lượng, giao cho Liên tỉnh 3, Liên tỉnh 4 tổ chức các đội vũ trang công tác làm nhiệm vụ mở mảng, mở vùng, hình thành và nối thông đường hành lang chiến lược. Đến giữa năm 1961, vùng giải phóng của tỉnh Tuyên Đức được mở ra từ phía Đông huyện Lạc Dương lên đến Đầm Ròn và phía Tây Bắc huyện Đức Trọng (vùng đất Lâm Hà ngày nay). Các đội vũ trang công tác mở phong trào đến đâu đều tiến hành xây dựng cơ sở cốt cán, thành lập Ban nhân dân tự quản, các tổ chức quần chúng và xây dựng lực lượng du kích ở buôn, xã. Trên vùng đất Lâm Hà đã xây dựng được nhiều cơ sở cốt cán như chị K’Hen, K’Cúc, Ma Ớt, Bập Chai, K’Oanh … Nhờ vậy, sau khi nối thông đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, ta đã huy động được sức người, sức của phục vụ kháng chiến.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Tuyên Đức và Huyện uỷ Đức Trọng, các đội công tác đã nhanh chóng phát triển cơ sở, mở rộng phong trào trên các địa bàn PhiSur, K’riông Thô và dọc đường 21 Bis từ Phi Sơ Rol đến Liên Hung. Tuy nhiên, do lực lượng của ta ít, hoạt động trên một địa bàn rộng nên không đủ sức đối phó với âm mưu dồn dân lấp ấp chiến lươc của địch. Đầu năm 1963, địch đã dồn hết số dân vùng ta kiểm soát vào các khu tập trung, ấp chiến lược.

Năm 1964, Huyện uỷ Đức Trọng tiếp tục củng cố các đội công tác làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, vận động đồng bào nổi dậy phá khu tập trung, ấp chiến lược. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đội công tác đã xây dựng cơ sở ở Sở Ngo, ấp chiến lược Đạ Prết, Phú Mỹ (Phú Sơn), An Phước, đồng thời đẩy mạnh diệt ác, trừ gian, hỗ trợ đồng bào ở các ấp chiến lược P’rơTeng, Dăm Pao, Đạ Prết đấu tranh đòi trở về buôn làng cũ.

Bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ giữa năm 1965 đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Ở Lâm Hà, địch tăng cường lực lượng chốt giữ các vị trí quan trọng, tiến hành các cuộc hành quân càn quét, tiếp tục gom dân vào khu tập trung RLơm, B’Nông rết. Tại Phi Liêng, đại đội biệt kích hoạt động ráo riết gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất.

Cuối năm 1965, Tỉnh uỷ Tuyên Đức quyết định chuyển các cơ quan, đơn vị của tỉnh từ phía Đông huyện Lạc Dương sang xây dựng căn cứ phía Tây Bắc huyện Đức Trọng. Trên địa bàn Lâm Hà, các đội công tác phối hợp với lực lượng vũ trang vừa đẩy mạnh hoạt động vũ trang, vừa hỗ trợ đồng bào đấu tranh phá các ấp chiến lược P’teng, Hoạt, PhiSur A, B, K’riông Thô … Qua hoạt động mở mảng, mở vùng, phong trào cách mạng địa phương đã có nhiều chuyển biến, cơ sở bên trong phát triển rộng khắp.

Năm 1966, kết nạp được 6 đảng viên hoạt động bên trong, thành lập chi bộ Đảng ở Gia Thạnh, do đồng chí Ngọc làm Bí thư và chi bộ Đạ Prết do đồng chí Ka Xệp làm Bí thư. Tại Gia Thạnh, Phú Sơn, Hội phụ nữ giải phóng được thành lập, chị em đã tích cực tham gia công tác binh vận, tiếp tế lương thực và những mặt hàng thiết yếu cho lực lượng bên ngoài, đồng thời vận động thanh niên thoát ly tham gia cách mạng.

Từ năm 1969, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm rút dần quân Mỹ về nước mà vẫn duy trì được chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng tiến hành các kế hoạch bình định, coi đó là “trụ cột”, là “xương sống” của “ Việt Nam hóa chiến tranh”.

Nằm trong kế hoạch chiến lược chung, địch tiến hành bình định có trọng điểm ở Gia Thạnh, Cohia, Ngọc Sơn, Lạc Sơn và tiếp tục dồn dân ở một số nơi vào khu tập trung Dăm Pao. Mặt khác, chúng liên tục tiến hành các cuộc hành quân càn quét, cho máy bay ném bom vào các căn cứ và khu vực sản xuất của ta. Trước tình hình đó, các đội công tác phối hợp với các đơn vị vũ trang kiên trì bám trụ đánh địch ở nhiều địa bàn, làm suy yếu bộ máy kèm ở cơ sở, hỗ trợ nhân dân đấu tranh chống địch cài mìn quanh ấp, đòi bồi thường thiệt hại do chúng gây ra. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ấp Cohia đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3.

Sau khi hiệp định Pari được ký kết (27-01-1973), Mỹ – Ngụy vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trên địa bàn huyện Lâm Hà, địch đẩy mạnh hoạt động đánh phá, lấn chiếm vùng ta làm chủ. Tuy tình hình địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị vũ trang vừa hoạt động đánh địch, vừa tích cực xây dựng cơ sở, hỗ trợ quần chúng đấu tranh chính trị và làm công tác binh vận.

Đầu năm 1975, tình hình trên các chiến trường có nhiều chuyển biến quan trọng, xuất hiện nhiều khả năng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi, theo kế hoạch phối hợp hoạt động, nhiệm vụ của quân và dân trên địa bàn Lâm Hà là tập trung lực lượng giải phóng địa bàn dọc đường 21 Bis từ Đạ Me lên Phú Sơn, tạo bàn đạp đưa lực lượng chủ lực về giải phóng Đà Lạt – Tuyên Đức. Nhưng do tình hình chiến trường diễn biến nhanh chóng nên từ đêm 31-3-1975, quân địch ở Tuyên Đức rút chạy và ngày 2- 4- 1975, huyện Đức Trọng hoàn toàn được giải phóng.

Sau khi quân địch tan rã, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu 6, Ủy ban quân quản huyện Đức Trọng được thành lập do đồng chí Nguyễn Xuân Khanh, Phó Ban Binh vận Khu 6 làm Chủ tịch. Ủy ban đã tổ chức mít tinh công bố danh sách 10 điểm của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vận động nhân dân nhanh chóng ổn định trật tự, đời sống, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện chính quyền cách mạng.

Trải qua 30 năm cùng cả nước tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân các dân tộc vùng đất Lâm Hà đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Những truyền thống quý báu đó mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lâm Hà và tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tham khảo: XE GIÁP ĐIỆP SÀI GÒN CÀ MAU – THÔNG TIN CHI TIẾT

0 ( 0 bình chọn )

Chuyên trang tin tức, đánh giá, tư vấn homestay ở Việt Nam

https://review.vnhomestay.com.vn
Đặt homestay nhanh nhất, đơn giản nhất xin gọi hotline: 0356 816 765

Ý kiến bạn đọc (0)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Mới

Xem thêm