- Xu hướng home-sharing
- Home-sharing và homestay?
- Quy mô và tốc độ tăng trưởng
- Doanh thu – Giá bán
- Sự phân hóa theo vùng miền và loại hình
- Khách hàng và chủ nhà (nhà đầu tư)
- Những xu hướng mới của thị trường home-sharing tại Việt Nam
- Thị trường cạnh tranh gay gắt hơn
- Thị trường home-sharing đối mặt với bài toán xác định tính minh bạch và tiêu chuẩn
- Các hành lang pháp lý
Home-sharing là gì?
Home-sharing ở đây không phải là một tính năng của Itune chúng ta vẫn thường biết đến mà là định nghĩa của một ngành dịch vụ, một thị trường mới của nền kinh tế chia sẻ (sharing economy): thị trường home-sharing.
Home-sharing là dịch vụ chia sẻ nhà, vừa mang lại thu nhập đáng kể cho các chủ nhà, vừa tận dụng tối đa được nguồn cung dư thừa về chỗ ở từ thị trường bất động sản.
Xu hướng home-sharing
Thuật ngữ “Chia sẻ” (sharing) không phải là một hiện tượng mới, nhưng gần đây nó đang dịch chuyển từ hoạt động chia sẻ truyền thống giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè sang hình thức chia sẻ, hoán đổi, cho mượn, cho thuê và trao đổi sản phẩm, dịch vụ giữa những người xa lạ với mục đích thương mại. Các mô hình ‘chia sẻ’ hiện nay càng được đẩy mạnh nhờ vào các nền tảng số, tạo cơ hội cho những người cung cấp và người sử dụng tiếp cận nhau dễ dàng hơn.
Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), ước tính doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ sẽ đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025 so với doanh thu năm 2014 mới khoảng 15 tỷ USD. Không chỉ là các ứng dụng gọi xe, đặt đồ ăn – thức uống, mô hình kinh doanh chia sẻ cũng dần phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ lưu trú như khách sạn, khu resort và tiêu biểu là sự bùng nổ của các nền tảng home-sharing.
Không gian mới lạ, đa dạng, đi đôi với hình thức du lịch mang tính trải nghiệm chính là những nhân tố hàng đầu giúp các thị trường home-sharing cạnh tranh với những khách sạn trung lưu vốn rập khuôn trong dịch vụ. Bên cạnh đó, nếu như chi phí phòng trong khách sạn truyền thống thường bao gồm ngầm những dịch vụ kèm theo như hồ bơi, gym, massage… thì chi phí qua các OTA lại giản lược hơn, phù hợp cho những khách hàng chỉ có nhu cầu nghỉ ngơi và ăn uống.
Home-sharing và homestay?
Do sự ra đời và phát triển quá nhanh, thiếu đồng đều nên định nghĩa về home-sharing vẫn còn nhiều mơ hồ trong suốt thời gian qua. Nhiều chủ đầu tư tham gia đã nôm na gọi hình thức này là: kinh doanh homestay, airbnb/bnb, cơ sở lưu trú hay căn hộ dịch vụ.
Tuy nhiên, xét cho cùng đó chỉ là những loại hình ngách có đặc trưng khác nhau trong thị trường home-sharing. Lấy ví dụ là homestay với định nghĩa ban đầu là hình thức lưu trú nhà dân, nơi du khách có thể sinh sống cùng với người bản địa để trải nghiệm văn hóa địa phương. Hình thức này tương đương việc du học sinh “ở nhờ có trả phí” cho các gia đình sinh sống tại nơi theo học. Điều đó có nghĩa rằng: Khi bạn nói bạn đang thuê homestay, người nghe sẽ mặc định bạn đang SỐNG CÙNG với chủ ngôi nhà đó. Trong khi home-sharing lại không hoàn toàn là như vậy.
Homestay là cái tên giới trẻ vẫn thường dùng khi gọi những sharing home.
Tương tự với khái niệm Bnb (bed & breakfast). Đây là ý tưởng ban đầu của những founder nền tảng home-sharing nổi tiếng Airbnb. Một căn hộ/ nhà được gọi là Bnb khi nó cung cấp đủ công năng của một ngôi nhà và có phục vụ bữa sáng. Bên cạnh đó, các căn hộ dịch vụ được biết đến là loại hình lưu trú hiện đại, mô phỏng lại căn hộ thông thường với các không gian sống cơ bản tiên nghi thường đi kèm mà không bắt buộc một số dịch vụ buồng phòng,…
>>> Xem thêm bài viết về cách phân biệt những loại hình kinh doanh home-sharing tại đây.
Tổng quan thị trường Home-sharing tại Việt Nam
Quy mô và tốc độ tăng trưởng
Theo công bố mới nhất của nền tảng đặt phòng Airbnb, Việt Nam đang là quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất về lượng khách du lịch quốc tế, đặc biệt là lượng đặt phòng tăng mạnh tại các khu vực Hà Nội (212%) và Đà Nẵng (225%).
Số liệu nghiên cứu từ AirDNA cho biết: tính đến 1/2019, Airbnb có 40,804 chỗ nghỉ (listing) chính thức trong khi đó VNHOMESTAY – nền tảng home-sharing số 1 Việt Nam cho biết đang sở hữu hơn 15,000 chỗ nghỉ tập trung chủ yếu vào các khu vực thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các điểm du lịch như Nha Trang, Sapa, Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt.
Nha Trang – một trong những thành phố mà thị trường home-sharing phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, trong vòng 3 năm từ khi thành lập đến nay, VNHOMESTAY cũng xác nhận độ gia tăng về mặt số lượng chỗ nghỉ luôn dao động ở mức 98%, không hề kém cạnh đối thủ Airbnb với mức tăng trưởng hàng năm tại tp. Hồ Chí Minh là 97%, Hà Nội và Đà Nẵng lần lượt là 112% và 111%.
Doanh thu – Giá bán
Số liệu từ AirDNA cho biết 68% chủ hộ tham gia Airbnb tại TP HCM sở hữu 2 căn homestay trở lên, thu nhập trung bình hàng tháng 14 triệu đồng/ căn hộ, với 56% chủ nhà cho thuê nguyên căn. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên, “ăn theo” sự phát triển của ngành hàng không giá rẻ. Trong khi đó, tại Hà Nội, doanh thu các chủ nhà nhận được cho mỗi căn hộ lại chỉ đạt mức 8-9 triệu đồng/ tháng.
Thông thường, tại Việt Nam, trung bình chỉ từ 700.000 VNĐ du khách đã có thể trải nghiệm không gian sống thoải mái và tiện nghi tương đương với khách sạn 3 sao.
Sự phân hóa theo vùng miền và loại hình
Theo tính chất địa lý và đặc điểm vùng miền, Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh là 2 khu vực chiếm số lượng home-sharing cao nhất tại Việt Nam với tỉ phần lần lượt là 27.2% và 42.3%. Trong khi đó khu vực miền Trung – Tây Nguyên tuy diện tích lớn hơn nhưng khiêm tốn với mức 30.5% (trong đó 4.3% nằm ở Tây Nguyên với các địa danh tiêu biểu là Đà Lạt, Đắc Lắc).
Một căn home-sharing cung cấp private room điển hình tại Đà Lạt. Nguồn: Đà Lạt Sunhills
Một chủ nhà kinh doanh home-sharing có thể lựa chọn nhiều loại hình phù hợp với khả năng. Một số chọn chia sẻ toàn bộ ngôi nhà của họ (entire home); những người khác chọn chia sẻ nhà bằng cách cho thuê lại một hoặc hai phòng riêng (private room) như một cách tận dụng nguồn thu từ những phòng không sử dụng mà không bị ràng buộc hợp đồng; số còn lại thiết kế dạng phòng nhóm thường được gọi tắt là phòng dorm/ shared-room.
Hiện nay, tại việt Nam, 2 loại hình được chọn đầu tư nhiều nhất là nguyên căn (49%) và phòng riêng (47%) trong khi shared-room khiêm tốn với 4% tỉ phần. Các hình thức phổ biến là căn hộ dịch vụ (tại thành phố lớn), homestay (tại các khu vực du lịch đặc trưng như Sapa, Đà Lạt) và condotel (tại các điểm du lịch).
Khách hàng và chủ nhà (nhà đầu tư)
Theo thống kê từ AirDNA, tổng số chủ nhà hiện nay tại Việt Nam ở mức xấp xỉ 19,000 trong đó có tới 5,000 chủ nhà tại miền Bắc và miền Nam, số còn lại phân bổ tại miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, điều đặc biệt là một chủ nhà thường đăng ký sở hữu trên 2 chỗ nghỉ qua các trang OTA, nền tảng đặt phòng (chiếm 69%). Điều này khẳng định home-sharing không đơn thuần là nguồn tăng thu nhập cho những chủ nhà có phòng nhàn rỗi mà đã trở thành sản phẩm kinh doanh sinh lời đầy tiềm năng của các nhà đầu tư.
Một trong những căn home-sharing được thiết kế theo phong cách hoài cổ tại Đà Lạt. Nguồn: Đà Lạt Sunhills Homestay
Theo số liệu của Tổng cục Du Lịch, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón tiếp hơn 12 triệu lượt khách quốc tế tới tham quan, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, có tới 4 triệu lượt khách lựa chọn đặt home-sharing.
Lượng khách chủ yếu trong nhóm này vẫn là khách quốc tế (84%), đặc biệt là du khách Singapore, Úc và Hàn Quốc. Thời gian lưu trú trung bình thường là 3 đêm và mùa cao điểm tập trung vào tháng 11 đến tháng 1 năm sau.
Những xu hướng mới của thị trường home-sharing tại Việt Nam
Thị trường cạnh tranh gay gắt hơn
Là một sân chơi hấp dẫn thú vị, không có lý gì home-sharing lại bị các nhà đầu tư ngó lơ bỏ qua. Chính bởi vậy, sự gia tăng chóng mặt về số lượng listing cũng như sự xuất hiện của những công ty chuyên nghiệp lấy home-sharing làm sản phẩm sinh lời không còn là điều xa lạ. Điều này, vô hình chung tạo ra áp lực cho các chủ nhà kinh doanh thêm dựa trên căn hộ nhàn rỗi và nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong kinh doanh. Tiêu biểu trong số đó là những thủ thuật chơi xấu, tệ nạn đang manh nha tại Việt Nam như: giả làm khách hàng để ăn trộm tài sản; đặt phòng đối thủ dài hạn và hủy phút chót nhằm tăng cơ hội cho listing của mình hay đáng sợ hơn là mạo danh thu lời.
Song song với đó, sự ra đời và phát triển của nhiều nền tảng đặt phòng trực tuyến như vnhomestay, Mystay, Westay, Luxstay, Homeaway… cạnh tranh trực tiếp với những ông lớn Courtsurfing, Airbnb,… khiến thị trường ngày càng phân hóa đa dạng.
Thị trường home-sharing đối mặt với bài toán xác định tính minh bạch và tiêu chuẩn
Tính minh bạch trong chất lượng của các listing và cách chủ nhà quản lý cơ sở lưu trú của họvlà một trong số những khó khăn lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Các nhà quản lý cũng gặp khó khăn rất nhiều về các khía cạnh pháp lý quản lý và kiểm soát loại hình này. Cùng với Airbnb, VNHOMESTAY hiểu được thách thức này của thị trường và đã tiên phong với chương trình xác minh, phân loại căn hộ để đảm bảo trải nghiệm của khách hàng.
Các hành lang pháp lý
Tương tự như chia sẻ xe (ride-sharing), chia sẻ nhà sẽ đòi hỏi một khuôn khổ tạo ra các tiêu chuẩn cho tất cả các bên tuân theo. Thời gian này, do chưa hoàn thiện các hành lang pháp lý nên tình trạng thiếu quy củ và khó khăn trong việc xử lý – quản lý kinh doanh home-sharing đang diễn ra trên toàn quốc. Chính quyền địa phương, đặc biệt là các điểm du lịch đang phải đối mặt với những trở ngại từ việc cần phải tạo ra một môi trường thân thiện với khách du lịch, đồng thời tìm cách đảm bảo các quy định hiện hành không bị vi phạm.
Thị trường kinh doanh homestay còn phải đối mặt với những bài toán về tính minh bạch và hành lang pháp lý đến bao giờ?. Nguồn: Tổ Chim Homestay
Thuế là một vấn đề khác mà chính quyền địa phương phải đối mặt, tương tự như nền kinh tế chia sẻ xe với Uber và Grab. Đơn cử như trường hợp của Airbnb, do không có đại diện tại Việt Nam, sẽ rất khó đánh thuế vào doanh thu được tạo ra trong nước. Các quy định pháp lý về thương mại điện tử đang được xây dựng có thể tạo ra những thách thức cho nhà đầu tư và các nền tảng nói chung.
Có thể nói, song song với sự phát triển của ngành du lịch, một nhánh dịch vụ đã ra đời, phát triển mạnh mẽ suốt thời gian qua với những tên gọi không chính thống. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải thống nhất định danh của nó với cái tên mang ý nghĩa bao quát: Home-sharing (Chia sẻ nhà lưu trú) – một thị trường ngách đầy tiềm năng và xứng đáng được công nhận.
(Bài viết sử dụng thông tin từ nguồn review.vnhomestay.com.vn/)
Ý kiến bạn đọc (0)