Vườn Quốc Gia Cúc Phương có hệ thực vật vô cùng đa dạng và phong phú (Ảnh – javibernatas)
Cách thủ đô Hà Nội 120 km về phía nam, nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, có một mảnh đất đã trở lên vô cùng quen thuộc, thân thương, gợi lên tính hiếu kỳ cho biết bao các bạn trong và ngoài nước, đó là Vườn quốc gia Cúc Phương – Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Được thành lập ngày 07 tháng 07 năm 1962, Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá với tổng diện tích là 22.408 ha. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá, lịch sử nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.
Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, Cúc Phương có quần hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, theo số liệu điều tra gần đây Cúc Phương có 2234 loài thực vật bậc cao và Rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.
Về động vật, Cúc Phương có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 135 loài thú (trong đó có loài voọc đen mông trắng là loài thú linh trưởng rất đẹp và quý hiếm được chọn làm biểu tượng của VQG Cúc Phương). Với 336 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương, vì vậy Cúc Phương từ lâu đã trở thành điểm lý tưởng đối với các nhà xem chim
Nên đi Cúc Phương vào thời gian nào?
Nếu chọn đúng thời điểm, bạn có thể đến Cúc Phương giữa mùa bướm trắng (Ảnh – lien_bop)
Khí hậu ở Cúc Phương thuộc loại khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm khoảng 24,7 °C. Địa hình phức tạp, rừng ở dạng nguyên sinh chứa nhiều bí ẩn, và cảnh quan độc đáo.
- Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là khoảng thời gian khá lạnh ở miền Bắc, dịp này thì cũng không nên đi vào rừng.
- Khoảng tháng 2 đến tháng 4 là mùa thích hợp để xem các loại chim như: gà lôi, gỉ cùi, khướu đá hoa, cắt nhỏ bụng trắng…
- Cuối tháng 4 đầu tháng 5 là mùa bướm rừng ở Cúc Phương. Thời điểm này, vườn quốc gia Cúc Phương xuất hiện hàng nghìn con bướm đủ màu sắc tạo nên khung cảnh lộng lẫy, thơ mộng.
- Từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, thời tiết nắng đẹp tuy nhiên thỉnh thoảng có thể có mưa, bão, các bạn chú ý xem thời tiết trước khi đi là được
Hướng dẫn đi đến Cúc Phương
Từ Hà Nội, nếu có phương tiện cá nhân riêng, các bạn có thể tới Cúc Phương rất dễ dàng (Ảnh – sleep_holic)
Phương tiện công cộng
Từ Hà Nội các bạn có 2 phương án bắt xe để có thể tới được Cúc Phương
- Bắt xe trực tiếp từ bến xe Giáp Bát đi đến Cúc Phương, buổi sáng nhà xe Đức Hạnh 0356816765 khởi hành từ Giáp Bát lúc 10h, buổi chiều có nhà xe Phú Duyên 0356816765 khởi hành lúc 15h. Xe chạy thẳng nên các bạn có thể tới được Cúc Phương thuận lợi nhất
- Đi xe từ Giáp Bát đi Nho Quan (Me), đến bến xe Nho Quan thì tiếp tục gọi xe về Cúc Phương, từ đây vào đến cửa rừng còn khoảng hơn chục km nữa nên nếu các bạn đi khoảng 4-5 người thì thuê một chuyến taxi là khá phù hợp. Nếu ít người thì có thể đi xe ôm hoặc xe buýt.
Phương tiện cá nhân
Từ Hà Nội các bạn di chuyển theo hướng đường cao tốc Ninh Bình, đi hết đường cao tốc các bạn đi vào QL1A (không phải đường cao tốc nhé) theo hướng quay ngược lại Hà Nội, đến phía đầu Tp Ninh Bình rẽ theo đường đi Tràng An, cố đô Hoa Lư, qua khu du lịch Bái Đính, khu du lịch hồ Đồng Chương là sẽ vào đến Cúc Phương. Nếu các bạn đi từ Hà Nội đến Ninh Bình theo hướng đường 1A mà không vào cao tốc thì đến ngã ba Gián Khẩu rẽ phải theo theo DT477, qua thị trấn Nho Quan rồi đi vào Cúc Phương.
Lưu trú tại Cúc Phương
Nếu muốn thoải mái, các bạn có thể lựa chọn nghỉ ngơi tại các khu resort ngoài rừng Cúc Phương (Ảnh – )
Ngủ trong Vườn Quốc Gia Cúc Phương
Khu cổng vườn
Khu cổng vườn là địa điểm khởi đầu cho tất cả mọi hoạt động trong vườn, xây dựng chương trình tham quan, đặt các dịch vụ như: Dịch vụ hướng dẫn tham quan, xem động vật hoang dã ban đêm, chèo thuyền kayak, chương trình văn nghệ dân tộc, xe đạp và mọi thông tin về Cúc Phương.
Khu Hồ Mạc
Nhà sàn nghỉ tập thể ở khu Hồ Mạc (Ảnh – )
Cách cổng vườn 1,5km, khu hồ Mạc là nơi khá yên tĩnh, không khí trong lành với đầy đủ các dịch vụ ăn ngủ nghỉ. Hồ Mạc có cả phòng riêng và nhà sàn tập thể, nơi đây cũng có không gian để tổ chức hoạt động lửa trại giao lưu.
Khu trung tâm (Bống)
Xóm Bống cách cổng vườn khoảng 20km, đây là địa điểm cuối cùng trong tuyến đường xuyên rừng Cúc Phương. Trong này cũng có đầy đủ các dịch vụ ăn ngủ lưu trú, tuy nhiên khu vực này không có điện mà chỉ có máy phát được chạy khoảng 4 tiếng mỗi tối, mà ít khách quá thì họ cũng không chạy máy phát đâu nhé.
Lưu trú bên ngoài Cúc Phương
Nếu không thích ngủ phía sâu trong Cúc Phương (vì lý do nhiều muỗi chẳng hạn) thì các bạn có thể lựa chọn lưu trú phía ngoài, gần nhất so với cổng rừng có khu Cúc Phương resort. Khu này thì không đẹp nhưng có thể nói là tạm ổn nhất nếu các bạn muốn ở đúng nghĩa resort, có bể bơi, có phòng dạng bungalow, có nhà hàng ăn uống cũng khá ngon (nhưng hơi chậm nếu đông khách).
Homestay Cúc Phương
Đặt phòng homestay rất đơn giản, bạn có thể tham khảo ứng dụng Vnhomestay: review.vnhomestay.com.vn.
VNHOMESTAY LÀ NỀN TẢNG KẾT NỐI NGƯỜI CÓ NHU CẦU THUÊ HOMESTAY VÀ CHỦ NHÀ
1, Các homestay được hiển thị và chỉ đường trên bản đồ quanh vị trí hiện tại của người dùng hoặc quanh địa điểm người dùng tìm kiếm. 2, Nền tảng không thực hiện việc đặt phòng, khách hàng không phải thanh toán trước, chỉ thực hiện kết nối thông tin cung cầu. 3, Các thông tin du lịch như địa danh, quán ăn, địa điểm vui chơi, mua sắm sẽ hiển thị và được tính khoảng cách với homestay người dùng chọn, để hỗ trợ người dùng tự lập kế hoạch du lịch.
Các địa điểm du lịch tại Cúc Phương
Chơi gì ở Cúc Phương
Cắm trại trong rừng Cúc Phương
Vườn Quốc gia Cúc Phương là địa điểm được các gia đình có trẻ nhỏ lựa chọn để tổ chức các hoạt động cắm trại (Ảnh – )
Cúc Phương là một trong những điểm rất phù hợp cho việc cắm trại picnic ngay trong ngày hoặc kể cả là việc qua đêm. Đến Cúc Phương, các bạn có thể cắm trại ở khu vực trung tâm của vườn là xóm Bống. Ở đây, nếu cắm trại ban ngày các bạn có thể lựa chọn những bãi đất phẳng dưới vòm cây, nếu là buổi tối các bạn có thể dựng trại trên những ô vuông bằng xi măng đã được chuẩn bị sẵn. Nếu cắm trại và rời đi trong ngày thì không mất chi phí, nếu cắm trại qua đêm sẽ có người đến thu tiền theo từng lều.
Đi bộ trong rừng nguyên sinh
Đến Cúc Phương hãy dành một vài tiếng để dạo bước trong rừng (Ảnh – review.vnhomestay.com.vn)
Cúc Phương đã xây dựng được nhiều tuyến đi bộ trong rừng, với nội dung và thời gian khác nhau, các bạn có thể lựa chọn cho mình những tuyến phù hợp, một số tuyến đi bộ các bạn có thể tự khám phá, tuy nhiên với sự hướng dẫn, giới thiệu của hướng dẫn viên, chắc chắn chuyến đi của các bạn sẽ trở nên thú vị và ý nghĩa hơn. Tuyến cắm trại và ngủ đêm trong rừng, tuyến đi bộ dài ngày lên khu bảo tồn Ngọc Sơn, khu bảo tồn Pù Luông là những tuyến hấp dẫn được nhiều các bạn quan tâm.
Du lịch sinh thái cộng đồng
Thiên nhiên Cúc Phương vô cùng quan trọng, là nguồn tạo lập sinh kế cho cộng đồng địa phương, du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng là giải pháp quan trọng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Với một hoặc hai đêm nghỉ lại tại bản Mường, các bạn đã góp phần tạo thu nhập cho người dân, hỗ trợ công tác bảo tồn. Trong thời gian ở bản, người Mường với lòng nhiệt tình, mến khách sẽ mang lại cho các bạn thời gian thoải mái và cơ hội để tìm hiểu, khám phá những nét văn hoá bản địa độc đáo.
Xem động vật hoang dã ban đêm
Tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết, Vườn quốc gia có thể tổ chức chương trình xem động vật hoang dã ban đêm, thực hiện chương trình này các bạn sẽ có cơ hội được nhìn thấy một số loài động vật hoang dã như: Sóc đen, Sóc bay, Hoẵng, Culi và một số loài thú ăn thịt nhỏ.
Xem chim
Cúc Phương là một trong những điểm đa dạng nhất về khu hệ chim ở miền Bắc Việt Nam (Ảnh – natureofjw)
Cúc Phương là một trong những điểm đa dạng nhất về khu hệ chim ở miền Bắc Việt Nam, với 308 loài đã được phát hiện và thống kê, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Gõ kiến đầu đỏ, Gà lôi trắng, Niệc nâu, Đuôi cụt bụng vằn…, đặc biệt có nhiều là loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương. Vì vậy, Cúc Phương đã trở thành một địa điểm không thể bỏ qua đối với các nhà khoa học và các nhà xem chim. Thời điểm tốt nhất để xem chim là buổi sáng sớm và chiều tối.
Đạp xe trong rừng
Thuê một chiếc xe đạp và khám phá xuyên rừng Cúc Phương khi đến đây bạn nhé (Ảnh – )
Một trong những hình thức khám phá bí ẩn của thiên nhiên Cúc Phương đó là đạp xe đạp trong rừng. Đạp xe trong rừng sẽ mang lại cho các bạn không chỉ những cảm giác yên tĩnh, cảm nhận thực sự về thiên nhiên mà còn giúp cho các bạn có được những cơ hội để bắt gặp những loài động vật khó gặp ở Cúc Phương.
Chèo thuyền kayak
Nghỉ lại tại Cúc Phương, các bạn có thể tham gia nhiều hoạt động giải trí, thư giãn. Chèo thuyền kayak trên hồ Mạc và hồ Yên Quang là một trong những hoạt động hấp dẫn được nhiều các bạn ưa thích.
Các trung tâm bảo tồn
Vườn thực vật Cúc Phương
Là khu vực được xây dựng nhằm sưu tập gây trồng các loài cây quý hiếm của Cúc Phương, Việt Nam và Thế giới. Đây là một trong ba vườn thực vật tầm cỡ của thế giới theo danh sách được công bố năm 1997. Tuyến đường thăm vườn dễ dàng, với quãng đường đi bộ là 3 km.
Trung tâm du khách Cúc Phương
Được xây dựng do tổ chức AusAid và FFI tài trợ và đây cũng là Trung tâm giáo dục du khách đầu tiên được thành lập ở Đông Dương. Đây là điểm tham quan và cũng là nơi làm thủ tục cần thiết trước khi vào thăm rừng.
Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật
Cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam; nghiên cứu tập tính, sinh lý, sinh sản trong nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển; sưu tập, gây trồng bảo tồn nguồn gen và tạo giống các loài thực vật quý hiếm của Việt Nam.
Trung tâm cứu hộ thú Linh Trưởng Cúc Phương
Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương là nơi cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm(Ảnh – EPRC)
Có nhiệm vụ cứu hộ từng cá thể các loài thú Linh Trưởng quý hiếm (Voọc mông trắng, Voọc Hà Tình, Voọc đen tuyền, Voọc Lào, Voọc Cát Bà, Voọc Chà vá chân xám…) từ tịch thu bắt giữ; thả động vật về với tự nhiên; nghiên cứu về thú Linh Trưởng như việc tìm kiếm thức ăn, tập tính sinh hoạt, môi trường, không gian sống.
Bảo tàng Cúc Phương
Là địa điểm nghiên cứu, tham khảo mẫu vật quan trọng cho học sinh, sinh viên, các chuyên gia về bảo tồn, thực vật, động vật tham quan và học tập. Bảo tàng Cúc Phương có vị trí trong khuôn viên của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Bảo tàng đã được xây dựng mới phục vụ công tác lưu trữ và bảo quản mẫu như: côn trùng, bướm, xén tóc, chuồn chuồn, ve sầu, bọ que, chim, các loài thú khác như gấu, báo, khỉ, voọc,… Bảo tàng Cúc Phương đang lưu giữ hơn 50 mẫu khảo cổ học trong đó có mẫu dương bản Bò sát răng phiến có niên đại 230 – 250 triệu năm trước. Bảo tàng Cúc Phương hiện đang lưu giữ 122 mẫu ngâm, 82 mẫu động vật, 2900 mẫu côn trùng các loại, hơn 12.000 mẫu tiêu bản thực vật.
Các hang động tiền sử
Động Người Xưa
Cổng vào Động Người Xưa (Ảnh – )
Là một di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử, là trang văn hoá độc đáo trong lịch sử phát triển của nhân loại và là một di sản quý giá nằm trong đối tượng bảo vệ của rừng Cúc Phương.
Hang Con Moong
Hang Con Moong (Ảnh – Phương Vũ Vũ)
Hang Con Moong (theo tiếng địa phương có nghĩa là “hang con thú”) là một hang đá trong Vườn quốc gia Cúc Phương. Tuy Vườn quốc gia Cúc Phương phần lớn thuộc tỉnh Ninh Bình nhưng hang Con Moong lại thuộc xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá. Nằm gần sông suối, khu vực có hệ động vật, thực vật phong phú, đa dạng vì vậy đã được người cổ chọn làm nơi cư trú lâu dài. Hang rộng và dài, có 2 cửa thông nhau. Hang Con Moong có địa tầng văn hoá khá dày, có cấu tạo rất phức tạp, có sự đan xen kế tiếp nhau của đất sét, vỏ nhuyễn thể và các vệt tro than.
Hang Mang Chiêng
Là di tích mộ táng của cư dân thời đại Đá mới có tổ hợp công cụ đá gần với văn hóa Hòa Bình, chứa nhiều hiện vật, di cốt động vật, di cốt người.
Động Trăng Khuyết
Nằm sâu trong rừng, từ trong cửa động nhìn ra ngoài là hình trăng khuyết.
Động Sơn Cung
Là hang động nằm trên tuyến tham quan cây chò ngàn năm.
Động Phò Mã
Là hang động đẹp với nhiều nhũ đá tự nhiên. Để vào động phải đi qua hồ Yên Quang 3, vượt qua thung lũng và núi đá.
Động Thủy Tiên
Được tạo nên do hoạt động núi đá vôi, có nét đẹp được cho là giống cung vua Thủy Tề với những tiên nữ dưới nước.
Các cây cổ thụ đặc trưng
Cây đăng cổ thụ
Cây Đăng cổ thụ (Ảnh – VQG Cúc Phương)
Là một cây đại thụ cao 45m, đường kính tới 5m và có bộ rễ nổi trên mặt đất chạy dài chừng 20m. Từ cổng theo đường ô tô, qua động Người Xưa chừng 2 km, phía bên trái là đường dẫn đến cây đăng cổ thụ dài 3 km. Vượt qua 5 dốc đá, với nhiều quần xã thực vật. Đó là cây bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa); là những dây leo thân gỗ đường kính 20-30 cm dài khoảng 100m, chỉ có ở Cúc Phương. Trên đường tới cây đăng có thể quan sát những loài chim quý như nuốc bụng đỏ, gõ kiến đầu đỏ, gà lôi trắng hoặc thú như đon, sóc đen, sóc bụng đỏ, voọc mông trắng…
Cây chò ngàn năm
Cây Chò ngàn năm cao 45m trong Vườn Quốc Gia Cúc Phương (Ảnh – khoi tranduc)
Là cây đại thụ cao 45m, đường kính 5m và có chu vi hơn 20 người ôm mới hết. Từ trung tâm theo một con đường mòn trong rừng già để đến cây chò. các bạn sẽ gặp trên đường dây leo bàm bàm khổng lồ với đường kính gốc 0,5m, chạy dài 1 km vắt ngang rừng và loài Đa bóp cổ. Hạt đa nảy mầm trên các hốc cây khác. Khi rễ của chúng đã bám đất phát triển rất nhanh, dần bóp chết cây chủ. các bạn còn được chiêm ngưỡng những cây Chò chỉ cao tới 70m, thân thẳng, tròn đều. Thời gian cả đi và về cho tuyến này hết gần 3 tiếng.
Cây sấu cổ thụ
Là cây đại thụ cao 45m, hệ thống rễ bạnh vè được phân ra từ thân cây ở độ cao khoảng 10m rồi phát triển chạy dài tới 20m. Trên đường đến Cây sấu, các bạn cũng được chiêm ngưỡng những dây leo thân gỗ; những loài Đa góp cổ; những loài thực vật phụ sinh như tầm gửi, tổ diều, phong lan; các loài chim như gõ kiến đầu đỏ, đuôi cụt bụng vằn…
Đỉnh mây bạc
Cúc Phương nhìn từ đỉnh núi Mây Bạc (Ảnh – 9screens)
Là đỉnh núi cao nhất trong rừng Cúc Phương với độ cao 648m. Từ Trung tâm đi khoảng 3 km qua nhiều khu rừng già với nhiều dốc đá. Lên đến đỉnh núi, giữa mây trời các bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng và đồng bằng của 4 huyện thuộc 3 tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá. Tuyến đường đến Đỉnh mây bạc dài và nhiều dôc đá. Tuyến đi này phải có hướng dẫn viên của Vườn đi cùng. Thời gian đi về khoảng 4 tiếng.
Hồ Yên Quang
Sớm bên hồ Yên Quang (Ảnh – Nguyễn Mạnh Hà)
Hồ Yên Quang là hệ thống gồm 4 hồ lớn có tên là hồ 1, hồ 2, hồ 3, hồ 4 nằm trên địa phận xã Yên Quang. Hồ Yên Quang là một thắng cảnh thuộc vùng đệm của vườn quốc gia Cúc Phương, giữa hồ có một đảo nhỏ, trên đó có một ngôi miếu thờ và mặt nước hồ là nơi hội tụ của nhiều đàn chim nước bơi lội. Trên mặt hồ nước trong xanh in bóng những vách núi, rừng cây và những chiếc thuyền câu nho nhỏ, cảnh sắc khá hoang sơ và tĩnh lặng. Hồ Yên Quang cũng là một hồ câu cá của người dân Ninh Bình và du khách.
Từ hồ 3 leo qua Quèn lá vào một thung đất tương đối bằng phẳng, rộng khoảng 100 ha đó là Thung lá. Vượt qua Thung lá, leo tới chân dẫy núi đã vôi là du khách tới Động Phò mã giáng. Ngay phía ngoài cửa động có một nhũ đá giống hệt hình hài của một vị Phò mã. Bên trong động có nhiều buồng, mỗi buồng lại có cấu tạo lộng lẫy bởi hệ thống nhũ đá, uy nghi như những cung đình.
Một số món ăn ngon ở Cúc Phương
Ẩm thực núi rừng Cúc Phương vốn nổi tiếng bởi nhiều món đặc sản như: dê núi, lợn mường, gà đồi… những món ăn ngon này có thể bắt gặp ở hầu hết các nhà hàng trong cũng như ngoài rừng Cúc Phương. Nếu may mắn đến đúng mùa, các bạn sẽ có cơ hội thưởng thức một số đặc sản Ninh Bình như cua núi, ốc núi, châu chấu…
Thịt dê Ninh Bình
Thịt dê núi Ninh Bình (Ảnh – tieu_panda)
Thịt dê núi Ninh Bình có đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm. Người ta cho rằng sở dĩ như vậy vì ở Ninh Bình có nhiều núi đá, dê chạy nhảy nhiều nên cơ thịt săn chắc, ít mỡ hơn hẳn dê chăn thả trên đồi. Mặt khác, với địa hình đặc trưng của núi đá vôi ngập nước có rất nhiều các loại rau, cỏ, thảo dược thích hợp là thức ăn cho dê như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, móng bò, dướng, bầu trích, mộc sông, mõm chuột, xoan dù, cà gai leo, tạo nên chất lượng và vị ngon của thịt dê. Một số nguyên liệu và đặc sản sở tại khác cũng góp phần làm nổi bật các món thịt dê Ninh Bình phải kể đến các loại rau ăn kèm đặc trưng địa hình núi đá, rượu Kim Sơn, rượu cần Nho Quan và cơm cháy Ninh Bình.
Cơm cháy Ninh Bình
Cơm cháy Ninh Bình, đặc sản nổi tiếng cùng thịt dê (Ảnh – jessjamesjo)
Món cơm cháy không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay. Một món ăn mộc mạc, thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, đã được lưu truyền cả trăm năm nay, trở thành đặc sản của vùng đất cố đô,một trong những món ngon nổi tiếng của Ninh Bình.
Gà ri Cúc Phương
Gà ri nướng, ngay trong một số quán ăn dọc đường rừng (Ảnh – review.vnhomestay.com.vn183)
Gà ri Cúc Phương từ lâu đã trở thành loài vật nuôi đặc sản của huyện Nho Quan (Ninh Bình), loài gà này được nuôi ở vùng rừng núi Cúc Phương, với khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp nên thịt thơm và ngon, rất được ưa thích.
Ốc núi Cúc Phương
Ốc núi Cúc Phương thường dày ruột, có hương vị đặc trưng do ăn các loại rong rêu, lá, rễ cây rừng. (Ảnh – review.vnhomestay.com.vn.____)
Khoảng tháng 3 là tháng ốc sinh sôi, nảy nở và đến tháng 7, tháng tám đã có thể bắt được. ốc núi rất đặc biệt, nó chỉ xuất hiện khoảng từ tháng ba đến tháng 7 âm lịch. Đến tháng 8, tháng 9 khi gió heo may về thì ốc biến mất không một dấu vết như chưa từng tồn tại trên trái đất này.
Ốc xuất hiện nhiều khi trời mưa. Bởi vậy, sau cơn mưa là bà con lại hò nhau đi vào rừng, lên núi tìm ốc. Ốc bám trĩu cây, bắt con này, con khác thấy động đã nhả miệng rơi lộp bộp mà không sợ bị vỡ vì nó được trang bị một lớp vỏ rất đặc biệt.
Ốc núi Cúc Phương thường dày ruột, có hương vị đặc trưng do ăn các loại rong rêu, lá, rễ cây rừng.
Lịch trình du lịch Cúc Phương
Cúc Phương là địa điểm đổi gió rất phù hợp vào cuối tuần cho các nhóm bạn và gia đình, nhất là các nhóm có trẻ em (Ảnh – )
Tổng hợp một số lịch trình du lịch Cúc Phương để các bạn có thể thuận lợi và chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian cho chuyến đi của mình.
Hà Nội – Cúc Phương – Hà Nội
Ngày 1: Hà Nội – Cúc Phương
Khởi hành từ Hà Nội vào buổi sáng khoảng 8h thì đến trưa sẽ đến Cúc Phương, nhận phòng cất đồ rồi nghỉ ngơi ăn trưa.
Chiều đi sâu vào trong rừng, ghé Động Người Xưa. Xong tiếp tục đi sâu vào trung tâm rừng, đi bộ 7km tham quan cây Chò ngàn năm.
Tối quay lại nơi nghỉ để ăn tối, kết thúc ngày 1
Ngày 2: Khám phá Cúc Phương – Hà Nội
Sáng dậy sớm đi dạo trong rừng, ăn sáng và đi tham quan trung tâm bảo tồn rùa, trung tâm cứu hộ linh trưởng.
Có thể lựa chọn đăng ký một số tour khám phá Cúc Phương do bên Vườn quốc gia tổ chức, có rất nhiều tour hay ho thú vị mà các bạn có thể tham khảo và lựa chọn.
Chiều tối khởi hành về Hà Nội
Hà Nội – Cúc Phương – Vân Long
Lịch trình này phù hợp với các bạn sử dụng phương tiện cá nhân (ô tô hoặc xe máy) đi từ Hà Nội.
Ngày 1: Hà Nội – Cúc Phương
Khởi hành từ Hà Nội vào buổi sáng khoảng 8h thì đến trưa sẽ đến Cúc Phương, nhận phòng cất đồ rồi nghỉ ngơi ăn trưa.
Chiều đi sâu vào trong rừng, ghé Động Người Xưa. Xong tiếp tục đi sâu vào trung tâm rừng, đi bộ 7km tham quan cây Chò ngàn năm.
Tối quay lại nơi nghỉ để ăn tối, kết thúc ngày 1
Ngày 2: Cúc Phương – Vân Long – Hà Nội
Sáng dậy sớm đi dạo trong rừng, ăn sáng và đi tham quan trung tâm bảo tồn rùa, trung tâm cứu hộ linh trưởng. Sau khi kết thúc thì đi theo tuyến đê sông Hoàng Long sang bên khu bảo tồn Vân Long
Thuê thuyền khám phá Vân Long, trưa nghỉ ngơi ăn trưa tại một quán ăn hoặc nhà hàng nào gần đấy rồi kết thúc lịch trình, quay lại về Hà Nội.
Một số vật dụng cần mang theo
Có một số vật dụng này các bạn nên chuẩn bị sẵn từ nhà để hành trình khám phá Cúc Phương của gia đình được thuận tiện hơn, bởi đây là một khu rừng nên không phải thứ gì cũng có đâu nhé.
- Thuốc xịt côn trùng và chống muỗi: Trong rừng thường xuyên ẩm ướt và nếu các bạn đi vào các đợt sau mùa mưa thì nhất thiết phải mang theo các loại thuốc xịt này nhé, nhất là gia đình có trẻ em đi cùng.
- Giầy đi bộ loại phù hợp với chính bạn, nếu định tham gia khám phá một số tuyến đường trong rừng, đi giầy phù hợp sẽ giữ an toàn cho đôi chân của bạn.
- Mang tất loại cao cổ và dày dặn để đi trong rừng nhằm tránh vắt.
- 1 chiếc đèn pin cá nhân để sử dụng khi đi lại buổi tối và sử dụng khi vào trong hang.
Tìm trên Google
- kinh nghiệm du lịch cúc phương 2020
- du lịch cúc phương tháng 03
- tháng 03 cúc phương có gì đẹp
- review cúc phương
- hướng dẫn đi cúc phương tự túc
- ăn gì ở cúc phương
- phượt cúc phương bằng xe máy
- cúc phương ở đâu
- đường đi tới cúc phương
- chơi gì ở cúc phương
- đi cúc phương mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp cúc phương
- homestay giá rẻ cúc phương
Ý kiến bạn đọc (0)