Bài viết chia sẻ các kinh nghiệm phượt Thung Nai mới được cập nhật năm 2020 để các bạn tham khảo.
Thung Nai với vẻ yên bình, rất hợp để nghỉ ngơi thư giãn sau 1 tuần làm việc căng thẳng (Ảnh – break_away)
Thung Nai là một xã lòng hồ sông Đà, thuộc huyện Cao Phong, Hòa Bình. Đây là một xã thuộc diện khó khăn của tỉnh, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Với lợi thế tự nhiên và tiềm năng du lịch khá lớn nhưng Thung Nai vẫn chưa thể bật lên để du lịch trở thành một ngành kinh tế chủ đạo đưa cuộc sống của người dân đi lên.
Thung Nai xưa vốn là xứ Mường Thàng, một trong những nơi sinh sống trù phú nổi tiếng của người Mường (gồm các mường Bi, Vang, Thàng, Ðộng). Theo như người dân địa phương kể lại, cái tên Thung Nai được đặt là bởi trước đây, tại một thung lũng trên mảnh đất này có rất nhiều nai tập trung sinh sống. Từ Thung Nai chính là cách gọi ghép của hai từ thung lũng và đàn nai rừng.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi nhà máy thủy điện sông Ðà được xây dựng và bắt đầu tích nước, Thung Nai đã trở thành hồ chứa nước khổng lồ, những ngọn núi đá trước kia vốn sừng sững nay bị ngập nước lưng chừng, biến thành những hòn đảo xanh nhấp nhô, tạo nên phong cảnh hết sức thơ mộng. Hiện nay, đến Thung Nai bạn có thể dễ dàng nhìn thấy và khám phá rất nhiều đảo đá nằm nổi nằm rải rác khắp nơi trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Thung Nai không thích hợp với những hoạt động vui chơi gải trí rầm rộ và ồn ào, thay vào đó là những phút giây thư giãn bên gia đình, bạn bè, nhìn ngắm phong cảnh thiên nhiên kì thú và quên đi những âu lo của cuộc sống bận rộn hàng ngày.
Nên đi phượt Thung Nai vào thời điểm nào ?
Nên đi Thung Nai vào mùa hè để tận hưởng cảm giác mát mẻ nhé các bạn (Ảnh – Mjnh Nguyen)
Nên tới Thung Nai vào mùa hè, khoảng tháng 5 đến tháng 8 để tận hưởng cảm giác mát mẻ, xa rời với cái nóng oi bức của miền Bắc vào dịp này. Vào các mùa khác bạn cũng có thể đến Thung Nai, tuy nhiên sẽ khó để có thể cởi bỏ quần áo và nhảy ầm xuống dòng nước mát lạnh của lòng hồ được đâu. Nếu có thể thì hãy lựa chọn ngày đi vào đúng ngày rằm, buổi tối ngắm trăng giữa mênh mông biển nước là một trải nghiệm khá thú vị cho bạn đấy.
Phương tiện đi phượt Thung Nai ?
Để nghỉ ngơi trên đảo và đi dạo lòng hồ thủy điện, phương tiện duy nhất là thuê thuyền từ cảng Thung Nai (Ảnh – apple8x)
Từ Hà Nội tới cảng Thung Nai
Cách Tp Hòa Bình khoảng 20km và là một xã nhỏ không có tuyến vận tải công cộng nào chạy thẳng tới đây. Bạn có thể tới Thung Nai bằng cách đi xe máy từ Hà Nội (khoảng 100km) hoặc đi xe khách tới Hòa Bình rồi thuê xe ôm hoặc taxi để vào Thung Nai. Nếu di chuyển bằng xe khách, các bạn nhớ xuống ở ngã 3 đường tránh của Tp Hòa Bình (chân dốc Cun phía bên Hòa Bình, đầu đường Tây Tiến).
Từ cảng Thung Nai ra đảo
Hiện tại thì ở Thung Nai chưa có nhiều sự lựa chọn về nhà nghỉ cho các bạn, thế nên tùy thuộc vào việc các bạn ở nhà nghỉ nào thì hãy liên lạc với chủ nhà nghỉ của mình (hoặc tự thuê tàu nếu nhà nghỉ không thể bố trí tàu đón mình) để họ đưa tàu ra đón.
Di chuyển trên lòng hồ Hòa Bình
Nếu không định ở lại Thung Nai qua đêm, các bạn chỉ cần đến cảng và thuê thuyền để đi ngắm một vòng hồ rồi về cũng được. Ngay cảng Thung Nai có rất nhiều tàu phục vụ chở khách du lịch tham quan lòng hồ, các bạn có thể thuê nguyên một chiếc nếu đoàn đông hoặc chấp nhận đi ghép với các đoàn khác, các thuyền cũng nhận chuẩn bị đồ ăn trưa luôn để các bạn có thể tổ chức “tiệc tùng” trên hồ nếu các bạn có nhu cầu.
Khách sạn nhà nghỉ tại Thung Nai.
Trong thời đại 4.0 việc đặt phòng rất đơn giản, bạn có thể tham khảo ứng dụng Vnhomestay: review.vnhomestay.com.vn.
VNHOMESTAY LÀ NỀN TẢNG KẾT NỐI NGƯỜI CÓ NHU CẦU THUÊ HOMESTAY VÀ CHỦ NHÀ
1, Các homestay được hiển thị và chỉ đường trên bản đồ quanh vị trí hiện tại của người dùng hoặc quanh địa điểm người dùng tìm kiếm. 2, Nền tảng không thực hiện việc đặt phòng, khách hàng không phải thanh toán trước, chỉ thực hiện kết nối thông tin cung cầu. 3, Các thông tin du lịch như địa danh, quán ăn, địa điểm vui chơi, mua sắm sẽ hiển thị và được tính khoảng cách với homestay người dùng chọn, để hỗ trợ người dùng tự lập kế hoạch du lịch.
Các địa điểm du lịch ở Thung Nai
Nằm ngay trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình nên bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan các điểm du lịch lòng hồ nhé. Một số địa điểm nổi tiếng như Động Thác Bờ, đền Bà Chúa Thác Bờ, Suối Trạch …. đều cách nơi bạn nghỉ khoảng 20-30′ đi thuyền.
Chơi gì ở Thung Nai
Bơi lội trên hồ
Mùa hè, hầu như đội nào đến Thung Nai cũng đều phải nhảy xuống lòng hồ mát rượi để giải tỏa cơn nóng bức (Ảnh – _trangbee_)
Vào mùa hè, Thung Nai như một chiếc bể bơi khổng lồ, xanh biếc và mát rượi để có thể thoải mái bơi lội tung tăng trên hồ. Các bạn lưu ý, mực nước trong hồ thường xuyên rất sâu (30-40m) thế nên cho dù có biết bơi cũng bắt buộc phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn nhé.
Chèo thuyền trên lòng hồ
Chèo thuyền trên hồ (Ảnh – quynhanhchocopie)
Nếu không thích bơi lội thì các bạn có thể chèo thuyền, nước trong hồ khá lặng nên việc chèo cũng không quá khó nếu trời lặng gió. Kể cả các bạn chưa từng chèo thuyền thì cũng chỉ mất khoảng 15 phút là có thể làm quen với việc này, các bạn có thể lập thành những đội đua để chèo thi sang các đảo đá gần đấy.
Đốt lửa trại
Đốt lửa trại là một hoạt động gắn kết, giao lưu giữa các nhóm bạn với nhau (Ảnh – lancynguyen)
Thung Nai là một địa điểm vô cùng thích hợp để tổ chức các hoạt động tập thể, giao lưu giữa bạn bè với nhau. Sau một ngày vui chơi, ăn uống thì không thể thiếu tiết mục đốt lửa trại, hát hò giao lưu. Nếu muốn tốt chức đốt lửa trại các bạn chỉ cần thông báo trước với chủ cơ sở nghỉ ngơi của mình để họ chuẩn bị sẵn.
Vào chơi công viên nước Ngòi Hoa
Công viên nước nước nằm ở Bản Ngòi Hoa, trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình (Ảnh – Thuy Phuong Nguyen Thi)
Công viên được tọa lạc trên một vùng vịnh sông nước, núi non tuyệt đẹp thuộc bản Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, một trong những bản Mường cổ nhất nằm sâu trong vùng lòng hồ, nơi hoàn toàn hoang sơ gần như chưa có dấu chân du khách.
Với 34 cụm trò chơi kết cấu phao nổi trên mặt nước và các môn thể thao dưới nước như: mô tô nước, thuyền bơm hơi, cano câu cá, cụm bể bơi nổi cùng các môn thể thao truyền thống địa phương như đua bè mảng, chèo thuyền tôm, nhà hàng nổi trên sông…
Bản Mường Giang Mỗ
Cách thành phố Hòa Bình khoảng 10 km, bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong từ lâu đã là điểm đến đầy hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Bản nằm khép mình trong thung lũng dưới chân núi Mỗ. Cuộc sống êm đềm của hơn một trăm hộ gia đình người Mường tuy đơn sơ nhưng lại cuốn hút du khách bởi nét văn hóa trong sinh hoạt và lối kiến trúc nhà sàn hiện còn lưu giữ nhiều dấu ấn của nếp nhà Mường cổ trước đây.
Động Thác Bờ
Động Thác Bờ mùa cạn nước (Ảnh – Hai Kieu Van)
Động Thác Bờ thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, động nằm ngay trên bến Ngọc ở sườn núi phía bắc, trong dãy núi Chủa bên bờ hồ Hòa Bình. Không chỉ gắn với quần thể di tích đền Bờ thờ Bà Chúa thượng ngàn có công giúp vua Lê Lợi dẹp loạn phương Bắc, đây cũng từng là nơi trú chân của nhiều cánh lái buôn ngược xuôi sông Đà khi qua đây gặp sóng to gió lớn. Do đó, động Thác Bờ từ lâu đã thu hút du khách thập phương đến bái vọng và du lịch.
Vào mùa nước cạn, du khách muốn tham quan động phải leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động. Mùa nước dâng, du khách đi từ thuyền sang nhà nổi, trên một bè ghép bằng tre bương chạy dài khoảng 50 m vào thẳng cửa động. Từ trên cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thả hồn mình ngắm toàn bộ dải Đà giang kỳ vĩ, thưởng ngoạn những kiệt tác thiên nhiên của tạo hóa với núi non điệp trùng và vẻ đẹp của hang động huyền kỳ.
Động Thác Bờ mùa nước lên, cầu phao sẽ được bắc vào tận trong động (Ảnh – Tiến Thành Nguyễn)
Động Thác Bờ được chia làm ba khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá còn có khu vực tiếp du khách, lên cao khoảng 50 m là khu thờ Phật. Khu vòm động này khá rộng, có không khí mát lành. Ngoài ban thờ Phật tổ quan âm rất lớn, Quan thế âm Bồ tát, các vị thần linh cai quản vùng này, trong động còn có ban thờ Bác Hồ luôn thơm mùi hoa tươi và hương trầm.
Vào sâu trong động, khám phá những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm nghìn năm, mới thấy sức sáng tạo của Mẹ thiên nhiên là vô cùng tận.
Đền bà chúa Thác Bờ
Đền Bà Chúa Thác Bờ (Ảnh – viet nguyen)
Chúa Thác Bờ tên thật là Đinh Thị Vân con gái một tộc trưởng người Mường – Hoà Bình, năm 1431 Bà tập hợp người Mường và các dân tộc khác ở Hoà Bình quyên góp lương thực vận chuyển quân lương giúp Vua Lê Lợi dẹp giặc ngoại xâm ( Đèo Cát Hãn – Lai Châu)
Vào một ngày trời không yên sóng chẳng lặng thuyền chở đầy lương thực, khi đi qua khu vực hang Miếng sóng to làm vỡ mảng, Bà thác và xác trôi về khi vực Thác Bờ – Thung Nai – Hoà Bình dừng lại ở đó, dân quanh vùng tưởng nhớ người con gái anh hùng đã lập đền thờ nơi đây sau khi vua Lê Lợi thắng trận trở về đã sắc phong Bà là: Hoàng Kim Mẫu Chúa Mường Sơn Trang.
Vào năm 1979 nhà nước quyết định đắp đập ngăn sông làm nhà máy thủy điện Hoà Bình, đền Thác Bờ xưa không còn nữa, một gia đình họ Quách đã phát tâm và nhờ sự đóng góp của thập phương qua 5 lần xây dựng và di chuyển đã xây dựng được đền Bờ ngày nay.
Chợ Bờ
Chợ nổi Thác Bờ họp và tan từ rất sớm (Ảnh – gasinguyen)
Người dân ở đây giao dịch buôn bán chủ yếu tại chợ Bờ. Chợ chỉ họp vào buổi sáng và tan chợ khi còn khá sớm, khoảng gần 8 giờ là chợ đã thưa người qua lại. Chợ nổi Thác Bờ họp phiên chủ nhật cách bến thuyền Thung Nai chừng 20 phút. Không quá ồn ã tấp nập. Chợ là nơi thông thương của các ghe thuyền trên khắp mặt hồ về đây. Người ta mang đến những sản vật được đánh bắt từ đêm hôm trước.
Suối Trạch
Suối Trạch như một bể bơi trong lành và mát rượi giữa những ngày hè oi bức (Ảnh – lennjphung)
Suối Trạch là một trong những địa điểm không nên bỏ qua khi vào Thung Nai. Nơi đây là bể tắm thiên nhiên lý tưởng với nguồn nước trong, mát lạnh.
Bản Ngòi Hoa
Bản Ngòi là một địa điểm du lịch sinh thái rất đẹp ở Hòa Bình (Ảnh – Vương Bích)
Nằm cách cảng Thung Nai gần một giờ đi tàu trên hồ thủy điện sông Đà, bản Ngòi thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc là một trong những bản cổ người Mường đẹp nhất của Hòa Bình, trải qua nhiều thập kỷ nơi đây vẫn là ốc đảo nằm tách biệt sâu trong lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, không có đường bộ, phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền tôm, bè mảng, cuộc sống của người dân bản nơi đây tách biệt, cô lập như bị “lãng quên” ở lòng hồ sông Đà hùng vĩ.
Các món ăn ngon tại Thung Nai
Đến Thung Nai đừng quên thưởng thức hương vị thơm ngon đặc biệt của cá Măng nướng sông Đà, và các đặc sản núi rừng như thịt gà hấp lá chanh, thịt lợn Mường nướng mật bày trên lá chuối, măng luộc, cơm gạo nương, rượu táo mèo, rau rừng đồ chấm lòng cá…
Lợn Mường
Món cỗ lá từ thịt lợn bản (Ảnh – mingchangg214)
Lợn Mường – Hòa Bình (lợn mán, lợn lửng, lợn cắp nách,…) là giống bản xứ luôn dũi đất tìm thức ăn có nơi còn gọi là lợn dũi đất, chỉ đạt 25 – 30 kg/con là tối đa, được nuôi thả rông và tự kiếm ăn, nuôi lâu lớn, thức ăn chủ yếu là chất sơ (90%), chúng ăn sống trực tiếp hầu hết tất cả các loại cây, rau, củ, quả có sẵn tại địa phương. Thịt Lợn mường đặc biệt thơm ngon, mềm giòn bùi, mỡ thơm ngậy ăn không ngấy. Đặc điểm xương không to, mõm nhọn, mặt ngắn, trán nhăn, tai bé, mình dài thon, chân gầy, đặc biệt là lông dài và cứng (lông càng cứng càng rậm ăn càng thơm ngon, vì càng rậm chứng tỏ càng lai lợn rừng nhiều), 03 lỗ chân lông chụm 01 lỗ.
Gà chạy bộ Thung Nai
Gà nướng than hoa ở Thung Nai (Ảnh – Linh Lynn)
Với địa hình là đồi núi cao, gà được nuôi ở Thung Nai là gà chạy bộ chính hiệu. Thịt sẽ dai và thơm hơn so với gà ở dưới xuôi nhiều. Ngoài gà trong bữa ăn chính, bạn có thể đặt nhà nghỉ chuẩn bị thêm 1 vài con (tùy số lượng người) để nướng hoặc nấu cháo vào buổi tối
Cá sông Đà nướng
Dễ dàng bắt gặp cá kẹp que tre nướng ở mọi nơi khi du lịch Thung Nai (Ảnh – thungnaitours)
Sông Đà từ lâu rất nổi tiếng với nhiều loài cá ngon như cá thiểu, cá trắm đen, cá măng… Tại lưu vực lòng hồ sông Đà , cá nướng là món đặc sản. Cá được bán quanh năm nhưng vào mùa nước về tháng 9-10, cá măng, cá trắm, cá thiểu mới được mùa, các cửa hàng mới có nhiều cá tươi bán cho khách. Đặc biệt ở chân Đền Bà Chúa Thác Bờ, có rất nhiều hàng cá nướng thơm phức cho bạn thưởng thức, nếu có thời gian thì cứ ngồi bên bếp củi, vừa nướng vừa nhâm nhi con cá, thêm một vài chén rượu nữa thì quá tuyệt vời.
Cá sông Đà nóng hổi được bán nhiều ngay tại các điểm đền/chùa tham quan. Tuy nhiên, nếu mua ở đây các bạn nên chọn kĩ vì người dân rất hay dùng cá đông lạnh, ăn bở và không ngon. Cách kiểm tra cá có đông lạnh hay không: lấy que nhọn chọc vào banh nhẹ ra, thấy thịt cá nướng rồi nhưng vẫn đỏ là cá đông lạnh nhé.
Ý kiến bạn đọc (0)