Homestay

Vị trí địa lý – Địa hình – Địa giới hành chính của tỉnh Yên Bái

888

Trung tâm thành phố Yên Bái

I. Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý:

Bạn đang xem: Yên bái ở đâu

Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.892,68 km2, xếp thứ 8 so với 12 tỉnh thuộc vùng núi và trung du phía Bắc về quy mô đất đai.

Toàn tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm Thành phố Yên Bái (thành phố Tỉnh lỵ); Thị xã Nghĩa Lộ; 07 huyện: Trạm Tấu; Mù Cang Chải; Văn Chấn; Văn Yên; Lục Yên; Trấn Yên; Yên Bình với 173 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 150 xã, 13 phường, 10 thị trấn).

Với vị trí địa lý là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để Yên Bái tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội… không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao lưu kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.

2. Đặc điểm địa hình

Yên Bái nằm ở vùng núi phía Bắc, có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc – Đông Nam: phía Tây có dãy Hoàng Liên Sơn – Pú Luông nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, phía Đông có dãy núi đá vôi nằm kẹp giữa sông Chảy và sông Lô. Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình 600m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế – xã hội. Vùng thấp có độ cao dưới 600m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

3. Đặc điểm khí hậu

Tỉnh Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 18 – 200C (cao nhất từ 37 – 390C, thấp nhất từ 2- 40C). Gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Mưa nhiều nhưng phân bố không đều, lượng mưa trung bình 1.800 – 2.000mm/năm, cao nhất tới 2.204mm/năm và thấp nhất cũng đạt 1.106mm/năm. Một số vùng tiểu khí hậu vào tiết xuân thường có mưa dầm triền miên.

* Các mùa chính trong năm: Khí hậu Yên Bái có 2 mùa rõ rệt.

– Mùa lạnh: Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, vùng thấp lạnh kéo dài từ 115-125 ngày. Vùng cao mùa lạnh đến sớm và kết thúc muộn nên dài hơn vùng thấp. Vùng cao từ 1.500m trở lên hầu như không có mùa nóng, nhiệt độ trung bình ổn định dưới 20oC, cá biệt có nơi xuống 0oC, có lúc, có nơi xẩy ra hiện tượng sương muối, băng tuyết hoặc bị hạn hán. Đầu mùa lạnh (từ tháng 12 đến tháng 1), cuối mùa thường có mưa phùn, điển hình là khu vực thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Yên Bình.

– Mùa nóng: Từ tháng 4 đến tháng 10 là thời kỳ nóng ẩm, nhiệt độ trung bình ổn định trên 25oC, tháng nóng nhất 37 – 380C. Mùa nóng cũng chính là mùa mưa nhiều, lượng mưa trung bình từ 1.500 – 2.200mm/năm và thường kèm theo gió xoáy, mưa lũ gây ra lũ quét ngập lụt. Sự phân bố ngày mưa, lượng mưa, tùy thuộc vào địa hình theo hướng giảm dần từ Đông sang Tây theo địa bàn tỉnh. Theo thung lũng sông Hồng giảm dần từ Đông Nam lên Tây Bắc, nhưng trong vùng thung lũng sông Chảy lại giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

* Chế độ mưa:

Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình. Theo số liệu của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa bình quân ở trạm Yên Bái là: 1.740,6mm/năm; Văn Chấn 1.368,7mm/năm; Mù Cang Chải 1.834,5mm/năm.

Phân bố lượng mưa theo xu hướng tăng dần từ vùng thấp đến vùng cao, lượng mưa phân bố không đồng đều các tháng trong năm. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 5 đến tháng 9 (từ 114,8 đến 429,4mm), các tháng mưa ít nhất là tháng 12 đến tháng 3 (từ 1,1 đến 80,3mm).

Do lượng mưa không đều giữa các tháng, tháng 10,11,12 là mùa khô, lượng mưa trung bình chỉ đạt 16,7mm/tháng nên gây ra hạn hán, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Vào mùa mưa, ở một số nơi lượng mưa quá lớn như Mù Cang Chải, Trạm Tấu và vùng trong huyện Văn Chấn gây lũ lụt, thiệt hại mùa màng, làm hỏng các công trình giao thông, thủy lợi.

* Chế độ ẩm:

Theo số liệu khí tượng thì độ ẩm tương đối cao, trung bình năm tại các trạm như sau: Yên Bái là 86%; Văn Chấn 83%, Mù Cang Chải 81%. Sự chênh lệch về độ ẩm giữa các tháng trong năm của các vùng trong tỉnh lệch nhau không lớn, từ 3-50C. Càng lên cao độ ẩm tương đối giảm xuống. Độ ẩm giữa các tháng có sự chênh lệch, do độ ẩm phụ thuộc vào lượng mưa và chế độ bốc hơi (chế độ nhiệt và chế độ gió), tháng có độ ẩm lớn nhất là tháng 2,3,4,5,6,7 từ 80%-89%, những tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 11,12,1 có độ ẩm từ 77% – 85%.

Yên Bái có lượng mưa hàng năm lớn, độ ẩm tương đối cao nên thảm thực vật xanh tốt quanh năm, thể hiện rất rõ tính chất gió mùa.

* Các hiện tượng thời tiết khác:

Sương muối: Xuất hiện chủ yếu ở độ cao trên 600m, càng lên sao số ngày có sương muối càng nhiều. Vùng thấp thuộc thung lũng sông Hồng, sông Chảy thì ít xuất hiện.

Mưa đá: Xuất hiện rải rác ở một số vùng, càng lên cao càng có nhiều mưa đá, thường xuất hiện vào cuối mùa xuân đầu mùa hạ và đi kèm với hiện tượng giông và gió xoáy cục bộ.

Ngoài ra ở các vùng cao trên 1000m thỉnh thoảng còn có băng tuyết vào cuối tháng mùa đông.

* Các vùng khí hậu:

Với các nét đặc trưng có thể chia Yên Bái thành hai vùng khí hậu lớn, có ranh giới được xác định bởi đường phân thủy của dãy núi cao theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, dọc theo hữu ngạn sông Hồng. Trong hai vùng lớn lại có năm tiểu vùng với những đặc điểm khí hậu khác biệt nhau.

Vùng phía Tây: Phần lớn vùng này có độ cao trung bình trên 700m, địa hình chia cắt mạnh, mang tính chất khí hậu á nhiệt đới và ôn đới, ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, có gió Tây Nam nóng, khô nên khí hậu vùng này có nét đặc trưng là nắng nhiều, ít mưa so với vùng phía Đông. Xuất phát từ các yếu tố địa hình, khí hậu, đặc thù có thể chia vùng này thành 3 tiểu vùng sau:

Tiểu vùng Mù Cang Chải: Vùng này có độ cao trung bình từ 900m, có nhiều nắng nhất tỉnh và chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Do độ cao địa hình lớn, nên nhiệt độ thấp. Nhiệt độ trung bình 18-200C, về mùa đông lạnh có khi xuống tới 00C. Tổng nhiệt độ năm 6.500-7.0000C, lượng mưa: 1.800-2.000 mm/năm; độ ẩm 80% thích hợp phát triển cây trồng, vật nuôi vùng ôn đới.

Tiểu vùng Tây Nam Văn Chấn: Vùng này có độ cao trung bình 800m, phía Bắc nhiều mưa, phía Nam là vùng ít mưa nhất tỉnh. Nhiệt độ trung bình là 18 – 200C, mùa đông nhiệt độ xuống tới 10C, lượng mưa 1.800 mm/năm, độ ẩm 84%. Thích hợp trồng cây và vật nuôi vùng á nhiệt đới và ôn đới.

Tiểu vùng Văn Chấn – Tú Lệ: Độ cao trung bình vùng này 250-300m, có thung lũng Mường Lò với diện tích trên 2.200 ha, nhiệt độ trung bình 22 – 230C, tổng nhiệt độ cả năm 8.0000C, độ ẩm 83% thích hợp phát triển cây lương thực, cây công nghiệp chè, đặc biệt chè tuyết vùng cao, quế, cây ăn quả và cây lâm nghiệp.

Vùng phía Đông: Khí hậu này chịu ảnh hưởng nhiều của gió mùa Đông Bắc, mưa nhiều về cả số ngày và lượng mưa. Mưa phùn kéo dài ở thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên. Nhiệt độ trung bình 21-220C, lượng mưa bình quân 1.800-2.000mm/năm, thích hợp phát triển cây nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả, chè, cà phê, phát triển thủy sản… có 2 tiểu vùng sau:

Tiểu vùng Nam Trấn Yên – Văn Yên – Thành phố Yên Bái – Ba Khe thuộc thung lũng sông Hồng, dưới chân hệ thống núi Hoàng Liên Sơn – Púng Luông. Nhiệt độ trung bình từ 23 – 240C, tổng nhiệt độ cả năm khoảng 8.0000C. Lượng mưa bình quân 1.800-2.200 mm/năm và là vùng có lượng mưa phùn kéo dài trong thời kỳ đầu năm.

Tiểu vùng Lục Yên – Yên Bình thuộc thung lũng sông chảy vùng hồ Thác Bà, là vùng có diện tích mặt nước nhiều nhất tỉnh – hồ Thác Bà diện tích 23.400 ha, có khí hậu ôn hòa, có điều kiện thuận lợi phát triển nông – lâm nghiệp, thủy sản và du lịch.

Vincom Plaza Yên Bái

II. Tài nguyên thiên nhiên:

1. Tài nguyên đất:

Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Yên Bái là 689.268 ha, trong đó diện tích nhóm đất nông nghiệp là 617.149 ha, chiếm 89,6% tổng diện tích tự nhiên; nhóm đất phi nông nghiệp là 56.715 ha, chiếm 8,2% tổng diện tích tự nhiên; nhóm đất chưa sử dụng là 15.404 ha, chiếm 2,2% tổng diện tích tự nhiên. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt khoảng trên 62%, đứng thứ 2 trong cả nước.

Tỉnh Yên Bái có nhiều loại đất thích hợp cho trồng lúa nước, cây mầu, cây công nghiệp hàng năm và cây công nghiệp lâu năm, trồng rừng phòng hộ và trồng rừng kinh tế… tập trung vào các loại đất điển hình sau: Đất phù sa, chiếm 1,33% diện tích tự nhiên của tỉnh; đất xám, chiếm 82,57%; đất đỏ, chiếm 1,76%; đất mùn alít, chiếm 8,1%.

Yên Bái là tỉnh có thế mạnh để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ lâm nghiệp với diện tích rừng tự nhiên có 245.615,8 ha, diện tích rừng trồng 187.934,9 ha, sản lượng gỗ khai thác hàng năm khoảng 576.800 m3 gỗ các loại như keo, bồ đề, bạch đàn… và trên 90.000 tấn tre, vầu, nứa.

Tổng diện tích cây chè của toàn tỉnh là 7.600 ha, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 74.000 tấn với vùng chè tập trung ở các huyện Văn Chấn 4.780 ha, Trấn Yên 904 ha, Yên Bình 762 ha. Yên Bái có diện tích quế lớn nhất nước và chất lượng quế thuộc vào loại tốt nhất, với diện tích 78.109 ha, trồng tập trung ở các huyện Văn Yên (44.000 ha), huyện Trấn Yên (12.500 ha), huyện Văn Chấn (8.200 ha), Lục Yên 2.600 ha. Sản lượng hàng năm thu hoạch trên 17.700 tấn vỏ quế khô/năm. Diện tích sắn tại tỉnh hiện có khoảng 9.000 ha, sản lượng đạt gần 170.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện Văn Yên (trên 5.800 ha), Yên Bình (trên 2.500 ha).

Với trên 2.000 ha đồng cỏ và có thể tận dụng cỏ dưới tán rừng, vườn rừng là lợi thế lớn trong phát triển chăn nuôi các loại trâu, bò, dê… và các loại gia cầm.

2. Tài nguyên nước

Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình, hàng năm có lượng mưa bình quân nhiều năm biến đổi từ 1.500mm đến 2.200mm, tùy theo từng vùng khác nhau. Những tâm mưa có lượng mưa lớn hơn 2.000mm nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, vùng thượng lưu sông Chảy và khu vực phía Đông Nam lưu vực sông Thao. Khu vực có lượng mưa nhỏ là vùng nằm khuất gió, như vùng trung lưu ngòi Thia thuộc huyện Văn Chấn với lượng mưa hàng năm trung bình dưới 1.600mm; khu vực dọc theo thung lũng dòng chính sông Thao từ ngòi Hút trở lên cũng có lượng mưa hàng năm dưới 1.600mm.

– Tài nguyên nước mặt:

Yên Bái có 2 hệ thống sông chính là sông Thao và sông Chảy. Đây là nguồn cung cấp nước mặt lớn cho tỉnh với khối lượng nước hàng chục tỷ m3/năm, cung cấp nước tưới phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp và sinh hoạt. Bên cạnh đó, tỉnh còn có khoảng 24.700 ha ao hồ, đập chứa nước, chủ yếu tập trung ở các huyện Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên. Các đầm lớn phân bố ở các xã Giới Phiên, phường Hợp Minh (thành phố Yên Bái), Minh Quân (huyện Trấn Yên), hàng năm cung cấp với khối lượng tới hàng trăm triệu m3/năm. Trong đó, lớn nhất là hồ Thác Bà với diện tích mặt hồ 23.400 ha chiều dài 80 km chỗ rộng nhất 15 km, độ sâu lòng hồ khoảng từ 15 đến 34 m, tổng lượng nước trong hồ lên tới 2,9 tỷ m3.

Ngoài ra, nguồn nước mặt của tỉnh Yên Bái còn được cung cấp từ lượng nước mưa hàng năm. Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình, hàng năm có lượng mưa bình quân nhiều năm biến đổi từ 1.500mm đến 2.200mm, tùy theo từng vùng khác nhau. Những tâm mưa có lượng mưa lớn hơn 2.000mm nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, vùng thượng lưu sông Chảy và khu vực phía Đông Nam lưu vực sông Thao. Khu vực có lượng mưa nhỏ là vùng nằm khuất gió như vùng trung lưu ngòi Thia thuộc huyện Văn Chấn với lượng mưa hàng năm trung bình dưới 1.600mm; khu vực dọc theo thung lũng dòng chính sông Thao từ ngòi Hút trở lên cũng có lượng mưa hàng năm dưới 1.600 mm. Tuy nhiên, lượng mưa phân bố theo mùa, tập trung chủ yếu vào mùa mưa (chiếm từ 80 – 85% tổng lượng mưa cả năm); đặc biệt 3 tháng có cường độ mưa cũng như lượng mưa lớn nhất là các tháng 6, 7, 8, chiếm từ 45 – 55% lượng mưa cả năm. Những tháng mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 15 – 20% lượng mưa cả năm. Các tháng 12 tháng 1 và tháng 2 là những tháng khô hạn nhất, thường xảy ra tình trạng thiếu nước vào các tháng này.

Nhìn chung, tỉnh Yên Bái có đủ lượng nước mặt để cung cấp cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Nhưng do đặc điểm của địa hình, chế độ thời tiết và hậu quả của nạn phá rừng từ nhiều năm trước đã làm thay đổi lượng nước mặt giữa 2 mùa, mùa mưa và mùa khô. Mùa khô mực nước ở các sông suối đều ở mức thấp nhất. Các công trình thủy lợi thiếu nước hoạt động, thủy điện Thác Bà hoạt động ở tình trạng bất lợi, vùng phía Tây thời tiết khô, dòng chảy của nhiều khe suối bị cạn kiệt gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và ảnh hưởng đến sinh hoạt của đồng bào. Trong mùa mưa lưu lượng và mực nước các sông tăng nhanh, lũ quét xảy ra thường xuyên ở các suối lớn gây thiệt hại mùa màng, nhà cửa, tính mạng của người dân.

– Nước ngầm, nước khoáng: Yên Bái có nguồn nước ngầm đáng kể. Theo các tài liệu địa chất – thủy văn, nguồn nước ngầm và nước khoáng phân bố ở độ sâu 20 – 200m dưới lòng đất. Nước khoáng nóng phân bố chủ yếu ở vùng phía Tây thuộc các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ, nhiệt độ trên 400C, hàm lượng khoáng hoá 1-5g/l, có khả năng chữa bệnh khi được xử lý độc tố. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm phân bố không đồng đều trong các thành tạo địa chất khác nhau, mực nước ngầm thay đổi có nơi chỉ vài mét là có nước ngầm, có nơi thì mấy chục mét mới có. Hàng năm có thể khai thác cấp nước sinh hoạt cho nhân dân hàng chục nghìn m3, chủ yếu là hệ thống giếng khơi và giếng khoan.

Nhìn chung, tài nguyên nước của Yên Bái rất dồi dào, chất lượng nước tương đối tốt, ít bị ô nhiễm. Vì thế, có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt, nếu được khai thác sử dụng hợp lý sẽ đáp ứng đủ nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, đời sống và nhiều lĩnh vực khác.

3. Tài nguyên rừng:

Rừng và đất rừng là tài nguyên và tiềm năng của tỉnh. Với hệ thống thực vật rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều loại, nhiều họ khác nnhau, có đủ các lâm sản quý hiếm; các cây dược liệu quý, các cây lâm sản khác như tre, nứa, vầu. Theo số liệu công bố hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2020, diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh là 522.959 ha, chiếm 75,93% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích có rừng là 433.550,7 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 63%. Phân theo loại rừng như sau:

– Đất rừng sản xuất là 334.024,0 ha, chiếm 48,49% diện tích tự nhiên; trong đó diện tích có rừng là 264.355,2 ha, tập trung ở vùng sản xuất nguyên liệu giấy (gồm các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, vùng thấp Văn Yên, vùng ngoài Văn Chấn) và vùng trồng cây đặc sản quế (gồm các huyện: Văn Yên, Trấn Yên và phân bố rải rác ở các huyện khác: Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, thị xã Yên Bái).

– Đất rừng phòng hộ là 152.787,8 ha, chiếm 22,18% diện tích tự nhiên; trong đó diện tích có rừng là 133.795,6 ha, phân bố chủ yếu ở 3 khu vực: khu vực rừng phòng hộ sông Đà (gồm huyện Mù Cang Chải), khu vực rừng phòng hộ sông Hồng (gồm các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên) và khu vực rừng phòng hộ sông Chảy (gồm các huyện: Yên Bình, Lục Yên).

Đang hot: Xe Phú Vĩnh Long | Thông Tin Về Tuyến Sài Gòn – Vĩnh Long – Đồng Tháp

– Đất rừng đặc dụng là 36.147,2 ha, chiếm 5,24% diện tích tự nhiên; trong đó diện tích có rừng là 35.300,9 ha, phân bố tại huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Yên.

4. Tài nguyên khoáng sản

Tỉnh Yên Bái có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú và đa dạng. Theo tài liệu thu thập về địa chất khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 372 khu vực mỏ, gồm có khoáng sản nhiên liệu (than các loại), khoáng sản kim loại (sắt, đồng, chì – kẽm, vàng,…), khoáng sản không kim loại (pyrit, barit, phosphorit, kaolin, felspat, thạch anh, grafit, talc, đá vôi trắng làm ốp lát và làm khoáng chất công nghiệp, đá làm vật liệu xây dựng, cát, sỏi…), khoáng sản quý hiếm (đất hiếm, đá quý các loại) đến nước khoáng, nước nóng.

Hiện tỉnh Yên Bái đã cấp phép 240 khu vực mỏ (Tỉnh cấp 170 khu vực; Bộ cấp 70 khu vực), ngoài ra còn có một số biểu hiện khoáng sản chưa được điều tra đánh giá mới chỉ được ghi nhận trong các công tác đo vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ nhỏ, bao gồm các loại khoáng sản nhiên liệu, khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại và khoáng chất công nghiệp, khoáng sản quý hiếm đến nước khoáng, nước nóng; được phân loại sử dụng theo các nhóm sau:

– Khoáng sản nhiên liệu: Tập trung chủ yếu là than đá antranxit, than nâu và than bùn. Nhưng nhìn chung các điểm than đều có trữ lượng ít, quy mô nhỏ. Được phát hiện ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên và Trấn Yên, tài nguyên dự báo khoảng 779.000 tấn.

+ Than đá: Hiện có 3 điểm quặng trong trầm tích điệp suối Bàng thuộc địa phận huyện Văn Chấn, ít có khả năng khai thác sử dụng do chất lượng kém.

+Than nâu: có 10 điểm trong trầm tích Neogen dọc sông Hồng, sồng Chảy. Trong đó có 2 điểm được điều tra khai thác là Hồng Quang và Hoàng Thắng. Nhìn chung các điểm than đều có quy mô nhỏ, chất lượng kém, không có triển vọng.

+ Than bùn: Có ở xã Phù Nham huyện Văn Chấn, tài nguyên dự báo 103.832 tấn; trong than chứa mùn, đạm, phospho, kali cao. Có khả năng khai thác làm phân vi sinh tốt.

– Khoáng sản kim loại: các khoáng sản chủ yếu gồm: sắt, đồng và chì – kẽm, phân bố không tập trung, trữ lượng chỉ ở mức vừa và nhỏ.

+ Sắt: Tập trung chủ yếu ở khu vực Văn Chấn, Trấn Yên và Văn Yên. Quặng sắt gần 200 triệu tấn, nhưng chất lượng quặng không cao (hàm lượng trung bình từ 20 – 40%) và phân bố rải rác tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Chấn (khu vực làng Mỵ – 14 triệu tấn), huyện Trấn Yên (khu vực Làng Thảo, Núi Vi, núi 300 m), huyện Văn Yên. Ngoài ra còn có vùng quặng sắt mới được phát hiện thuộc các xã Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La của huyện Văn Chấn.

+ Đồng: Khoáng sản đồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái được phát hiện ở xã Phong Dụ Thượng và xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (là các điểm mỏ Làng Phát, Làng Nhón, Làng Lòm…); ở huyện Văn Chấn (là các điểm An Lương, Đông An thuộc xã An Lương; điểm Bản Bam thuộc xã Nậm Lành) …

+ Chì – Kẽm: Được đánh giá có chất lượng khá tốt nhưng phân bố rải rác trữ lượng ít và điều kiện khai thác khó khăn ở Tú Lệ – Văn Chấn; Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bình. Mới đây khu vực Chì – Kẽm Cẩm Nhân, Xuân Lai – Yên Bình đã được điều tra, đánh giá về địa chất và khoáng sản, các khu vực có triển vọng đã được bổ sung vào quy hoạch của cả nước.

+ Vàng: Vàng gốc được phát hiện chủ yếu ở huyện Trạm Tấu, xã Nậm Có huyện Mù Cang Chải, xã Tú Lệ huyện Văn Chấn, vàng sa khoáng phát hiện ở nhiều nơi gần các sông suối như: Ngòi Viễn, Ngòi Tháp, Bản Ty ở huyện Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên…

+ Đất hiếm: Có ở xã Yên Phú – Văn Yên có quy mô nhỏ, trữ lượng đánh giá ở cấp 121 + 121 là 27.681 tấn (TR2O3).

– Khoáng sản không kim loại: chủ yếu gồm pyrit, barit, phosphorit, kaolin, felspat, thạch anh, grafit. Trong đó đáng chú ý là khoáng sản kaolin và felspat, hai khoáng sản này có chất lượng tương đối tốt đáp ứng được các tiêu chuẩn cho sản xuất gốm sứ, sản xuất giấy. Diện tính phân bố của chúng rộng tuy nhiên trữ lượng không lớn và không đồng đều. Các khoáng sản còn lại phân bố ở một vài nơi trong tỉnh nhưng chỉ tồn tại với trữ lượng nhỏ hoặc chất lượng thấp.

+ Pirit: Có ở Tân Lĩnh – Lục Yên; Mỹ Gia – Yên Bình. Điểm ở Lục Yên có trữ lượng khoảng 25.000 tấn, cấp C1 hàm lượng S > 33%.

+ Barit: Có ở núi hang Hổ, Đại Minh – Yên Bình, chưa điều tra đánh giá.

+ Phosphorit: Có ở huyện Lục Yên với tài nguyên dự báo khoảng 10.000 tấn.

+ Kaolin: Tập trung ở khu vực thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên. Đã khai thác ở một số điểm: xã Tân Thịnh, Trực Bình với tổng trữ lượng đánh giá ở cấp B + C1 + C­2 là 1,1 triệu tấn, chất lượng Al2O3 = 29 – 34%; Fe2O3 = 0,8 – 4-2%. Độ trắng đạt 40 – 70% đạt tiêu chuẩn làm bột độn giấy và sứ cách điện. Hiện đang thăm dò Báo Đáp – Trấn Yên, Yên Hưng – Văn Yên.

+ Fensfat: Phát hiện và đang thăm dò, khai thác ở huyện Yên Bình (Hồng Quân, Hán Đà, granit bán phong hoá), Văn Yên (Dốc 6000 – Yên Thái, Yên Hưng) và thành phố Yên Bái (Phai Hạ – Minh Bảo) và Trấn Yên.

+ Thạch anh: Tập trung ở huyện Trấn Yên,Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, các điểm quặng có quy mô nhỏ, chủ yếu là quặng lăn, chất lượng đạt yêu cầu cho sản xuất sứ và kính.

+ Grafit: Phân bố thành một dải từ Trái Hút tới Văn Phú. Trong đó đáng kể nhất là mỏ Bắc Mậu A, có trữ lượng 141.799 tấn, hàm lượng C từ 3 – 70%. Mỏ Yên Thái, Yên Hưng huyện Văn Yên có trữ lượng 1,32 triệu tấn, mỏ Lang Thấp, huyện Văn Yên.

– Đá quý: Tập trung ở khu vực huyện Lục Yên, xã Tân Hương – huyện Yên Bình với khoáng vật rubi, saphia, coridon và nhiều khu vực có triển vọng khác như Trúc Lâu (Lục Yên); Nước Lạnh (Liễu Đô – Lục Yên); Hin Om (Minh Tiến – Lục Yên); Phai Chẹp – Bãi Cạn (Liễu Đô – Lục Yên); Vàng Sáo (An Phú – Lục Yên); Lũng Cận (Liễu Đô – Lục Yên); Vĩnh Đồng (Liễu Đô – Lục Yên).

– Nguyên liệu mài: Phân bố ở phần Đông Bắc hai bên bờ sông Chảy thuộc vùng đá biến chất cổ gồm: silimanit – granat, tập trung tại An Phú – Lục Yên, Báo Đáp, Đại Đồng – Yên Bình, Làn Nhơn – Phong Dụ Hạ. Các điểm quặng này được đánh giá có triển vọng.

– VLXD: Gồm có đá vôi, đá hoa calcit, sét các loại, cát – sỏi lòng sông. Đặc biệt là nguồn đá vôi trắng nguyên khối được sử dụng là đá ôplát trong những năm qua được quan tâm nghiên cứu.

+ Đá vôi và đá hoa calcit phân bố rộng khắp ở các huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu có trữ lượng lớn. Hiện nay đã có một số mỏ khai thác ở quy mô công nghiệp ở Lục Yên và Yên Bình. Đá vôi của Yên Bái có chất lượng tốt với trữ lượng lớn (đá vôi xi măng khoảng 600 triệu m3, đá vôi làm VLXD thông thường khoảng 167 triệu m3) khả năng khai thác làm đá mỹ nghệ, đá ốp lát, VLXD, sản xuất xi măng và đá vôi làm khoáng chất công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt đá vôi trắng ở Lục Yên, Yên Bình được đầu tư thăm dò, khai thác làm đá ốp lát khoáng 66 triện m3, 390 triệu tấn sản xuất nguyên liệu bột carboant canxi và phụ gia khác.

+ Các mỏ sét, puzlan của tỉnh ngoài việc dùng sản xuất đồ gốm và gạch ngói, chất lượng mỏ sét còn đáp ứng được cho sản xuất xi măng.

– Nguyên liệu kỹ thuật: Gồm các loại khoáng sản như granat, quarzit, dolomit … hầu hết các loại khoáng sản này chưa được đánh giá trữ lượng.

– Khoáng sản talc: Được phát hiện ở bản Hát Lìu, huyện Trạm Tấu – điểm mỏ chưa được điều tra đánh giá trữ lượng.

– Nước nóng và nước khoáng: Trong toàn tỉnh phát hiện có 16 điểm nước khoáng, nước nóng. Tập trung chủ yếu ở đá phun trào. Nước nóng có nhiệt độ 30 – 500C. Tổng độ khoáng hoá 1 – 3,3g/l, nước thuộc nhóm sulfat canxi – magnhe có hàm lượng Silic và lưu huỳnh cao, có thể sử dụng cho điều dưỡng, chữa bệnh.

III. Địa giới hành chính:

Yên Bái nằm ở vùng Tây Bắc của tổ quốc tiếp giáp với Đông Bắc. Phía Đông Bắc giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Tây Nam giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 6.892,68 km2. Theo Niên giám thống kê năm 2020, tổng dân số toàn tỉnh Yên Bái là 831.586 người, mật độ dân số bình là 121 người/km2.

Yên Bái bao gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện với tổng số 173 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 150 xã, 13 phường, 10 thị trấn). Trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn được đầu tư theo các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước. Có 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%) nằm trong 61 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước…

Tên

Diện tích (km²)

Dân số (người) (2020)

Xã/phường/thị trấn

Thành phố Yên Bái

106.83

106.109

15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 09 phường và 06 xã gồm:

Các phường: Yên Thịnh; Đồng Tâm; Minh Tân; Nguyễn Phúc; Nguyễn Thái Học; Hồng Hà; Yên Ninh; Nam Cường; Hợp Minh.

Các xã: Minh Bảo, Tân Thịnh, Tuy Lộc, Văn Phú, Giới Phiên, và Âu Lâu.

Thị xã Nghĩa Lộ

107,63

69.650

Có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 4 phường; 10 xã, gồm:

Các phường: Cầu Thia, Pú Trạng, Tân An, Trung Tâm

Các xã: Hạnh Sơn, Nghĩa An, Nghĩa Lộ, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Phù Nham, Phúc Sơn, Sơn A, Thạch Lương, Thanh L ương.

Huyện Lục Yên

810,01

Đang hot: Top 17 Quán cafe quận Gò Vấp đẹp, giá rẻ có view sống ảo ở Sài Gòn – TP. HCM

108.781

Gồm 01 thị trấn; 23 xã

Thị trấn: Thị trấn Yên Thế.

Các xã: Tân Phượng; Lâm Thượng; Khánh Thiện; Minh Chuẩn; Khai Trung; Mai Sơn; An Lạc; Tô Mậu; Khánh Hòa; Động Quan; Trúc Lâu; Phúc Lợi; Trung Tâm; An Phú; Phan Thanh; Minh Tiến; Tân Lập; Liễu Đô; Vĩnh Lạc; Mường Lai; Minh Xuân; Yên Thắng; Tân Lĩnh.

Huyện Mù Cang Chải

1.200,96

65.042

Gồm 01 thị trấn; 13 xã

Thị trấn: Mù Cang Chải.

Các xã: Kim Nọi; Hồ Bốn; Chế Tạo; Khao Mang; Dế Su Phình; Chế Cu Nha; Cao Phạ; Púng Luông; Nậm Khắt; Mồ Dề; Nậm Có; La Pán Tẩn và Lao Chải.

Huyện Trạm Tấu

746,71

34.680

Gồm 01 thị trấn; 11 xã

Thị trấn: Trạm Tấu

Các xã: Bản Mù; Bản Công; Xà Hồ; Hát Lừu; Trạm Tấu; Pá Hu; Làng Nhì; Tà Si Láng; Phình Hồ; Pá Lau và Túc Đán.

Huyện Trấn Yên

629,21

85.668

Có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 20 xã và 01 thị trấn

Thị trấn: Cổ Phúc

Các xã: Vân Hội; Tân Đồng; Hưng Khánh; Đào Thịnh; Xã Hồng Ca; Việt Cường; Lương Thịnh; Hòa Cuông; Báo Đáp; Cường Thịnh; Minh Quán; Nga Quán; Quy Mông; Kiên Thành; Y Can; Việt Thành; Bảo Hưng; Việt Hồng; Minh Quân; Hưng Thịnh.

Huyện Văn Chấn

1.129,12

118.195

Có 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 xã và 03 thị trấn

Thị trấn: Nông trường Liên Sơn, Nông trường Trần Phú, Sơn Thịnh.

Các xã: An Lương, Bình Thuận, Cát Thịnh, Chấn Thịnh, Đại Lịch, Đồng Khê, Gia Hội, Minh An, Nậm Búng, Nậm Lành, Nậm Mười, Nghĩa Sơn, Nghĩa Tâm, Sơn Lương, Sùng Đô, Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, Tân Thịnh, Thượng Bằng La, Tú Lệ.

Huyện Văn Yên

1.390,08

130.218

Có 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 xã và 01 thị trấn

Thị trấn: Mậu A

Các xã: Lang Thíp, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, Lâm Giang, An Bình, Quang Minh, Đông An, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Tầm, Tân Hợp, Đông Cuông, Mậu Đông, Ngòi A, Yên Thái, Yên Hợp, Xuân Ái, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Đại Sơn, Đại Phác, Yên Phú, An Thịnh.

Huyện Yên Bình

772,13

113.243

Có 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 02 thị trấn:

Các xã: Yên Bình, Bạch Hà, Bảo Ái, Cảm Ân, Cảm Nhân, Đại Đồng, Xuân Long, Đại Minh, Hán Đà, Mông Sơn, Mỹ Gia, Ngọc Chấn, Phúc An, Phúc Ninh, Phú Thịnh, Yên Thành, Tân Hương, Tân Nguyên, Thịnh Hưng, Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Xuân Lai,

Thị trấn: Yên Bình; Thác Bà.

IV. Tiềm năng kinh tế

1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế:

Yên Bái có lợi thế để phát triển ngành nông – lâm sản gắn với vùng nguyên liệu: trồng rừng và chế biến giấy, bột giấy, ván nhân tạo; trồng và chế biến quế, chè, cà phê; trồng và chế biến sắn, hoa quả; nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Với nguồn khoáng sản phong phú, tỉnh có điều kiện thuận lợi trong việc khai thác và chế biến khoáng sản như: đá quý, cao lanh, fenspat, bột cácbonnát canxi, sắt…và sản xuất vật liệu xây dựng: xi măng, gạch, sứ kỹ thuật, sứ dân dụng, đá xẻ ốp lát, đá mỹ thuật và các loại vật liệu xây dựng khác.

Yên Bái không chỉ nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc Việt Nam, trên trục hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Yên Bái còn là địa phương giữ vị trí trung tâm kết nối giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc. Yên Bái có khí hậu nhiệt đới ôn hòa; tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; môi trường sinh thái trong lành, cảnh quan thiên nhiên trùng điệp, sơn thủy hữu tình. Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao; con người Yên Bái cần cù, chịu khó và mến khách. Đặc biệt, tỉnh Yên Bái có nhiều nét văn hóa riêng đậm đà bản sắc dân tộc…đã tạo nên hình ảnh một Yên Bái giàu tiềm năng, thế mạnh, miền đất mới hứa hẹn nhiều cơ hội cho các hoạt động đầu tư phát triển.

Tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, đã tạo điều kiện cho Yên Bái rút ngắn khoảng cách tới các vùng kinh tế trọng điểm như Thủ đô Hà Nội xuống còn dưới 120 km; cửa khẩu Lào Cai xuống còn dưới 130 km; cảng Hải Phòng xuống còn dưới 190 km, đồng thời giúp cho việc giao lưu hàng hóa từ Yên Bái đến các vùng kinh tế phụ cận như Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hòa Bình… trở nên thuận tiện. Những yếu tố trên đã tạo điều kiện cho Yên Bái mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hấp dẫn…, là điều kiện quan trọng để Yên Bái chào đón các nhà đầu tư đến với Yên Bái để cùng hợp tác và cùng phát triển.

2. Tài nguyên du lịch:

Yên Bái là một tỉnh miền núi, có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng là tiềm năng cho việc đầu tư xây dựng các điểm du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.

Khu du lịch danh thắng hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha, với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ được bao bọc bởi dãy núi hùng vĩ và nhiều hang động kỳ thú như: động Thủy Tiên, động Xuân Long, hang Bạch Xà, núi Cao Biền, núi Chàng Rể và được gọi là “Vịnh Hạ Long trên núi”. Nơi đây có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái với quy mô lớn.

Khu vực Miền Tây (huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) có cánh đồng Mường Lò – vựa lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc. Các danh lam thắng cảnh và điểm du lịch độc đáo như Suối Giàng nằm trên độ cao gần 1.400m – nơi có chè San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, suối nước nóng Bản Bon – nguồn nước nóng thiên nhiên với độ nóng 350C – 450C; Vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải với 2.300 ha đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và được báo chí Mỹ ca ngợi là có vẻ đẹp ngoạn mục, tinh tế nhất trên thế giới; khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu huyện Văn Yên; hồ Đầm Vân Hội thuộc huyện Trấn Yên; khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải… rất thích hợp với việc phát triển các khu nghỉ sinh thái, hệ thống các nhà nghỉ đơn lập kiến trúc vùng cao, các khu sinh cảnh…

Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời phục vụ cho du lịch văn hóa – tâm linh như: Đền Đông Cuông, Đền Nhược Sơn, Khu chùa – Đền Hắc Y – Đại Cại, Đền Thác Bà, Động Hương Thảo, Chùa Ngọc Am… cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên… là yếu tố thu hút khách du lịch trong nước ngoài nước.

(Số liệu trích dẫn từ các tài liệu sau: Cuốn Niên giám thống kê tỉnh Yên Bái năm 2020;Quyết định số 323/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của UBND tỉnh Yên Bái về việc công bố số liệu hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2020; Văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cung cấp thông tin dữ liệu giới thiệu địa phương phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

Đọc thêm: Top 15 Nhà hàng gần sân bay Tân Sơn Nhất ngon nổi tiếng gần nhất

78319 lượt xem Ban Biên tập

0 ( 0 bình chọn )

Chuyên trang tin tức, đánh giá, tư vấn homestay ở Việt Nam

https://review.vnhomestay.com.vn
Đặt homestay nhanh nhất, đơn giản nhất xin gọi hotline: 0356 816 765

Ý kiến bạn đọc (0)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Mới

Xem thêm