Homestay

DƯ ĐỊA CHÍ HUYỆN MÙ CANG CHẢI, TỈNH YÊN BÁI

656

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải

1. Địa lý tự nhiên

Huyện Mù Cang Chải có diện tích tự nhiên là 1.199,08km2; phía Bắc giáp huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai; phía Tây giáp huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu; phía Nam giáp huyện Mường La, tỉnh Sơn La; phía Đông giáp huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Văn Yên tỉnh Yên Bái.

Bạn đang xem: Mù cang chải thuộc tỉnh nào

Đỉnh núi cao nhất là đỉnh Lùng Cúng (xã Nậm Có) cao hơn 2.900 m. Những vùng núi Mù Cang Chải có rừng trùng điệp, bốn mùa xanh tốt, có nhiều loại gỗ quý như sến, táu, pơ mu, trầm hương, dổi, thông…

Bên cạnh rừng trùng điệp nhiều loại gỗ quý, Mù Cang Chải còn có một hệ thống khe, suối khá phong phú. Chạy dọc theo Quốc lộ 32 là suối Nậm Kim, bắt nguồn từ đỉnh Nả Háng Tâu (giáp Cao Phạ) chảy qua các xã Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Mồ Dề, Kim Nọi, Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn xuống Than Uyên. Đây không chỉ là con suối dài và lớn nhất huyện mà còn cung cấp nguồn nước lớn cho sản xuất, sinh hoạt. Thời điểm năm 2017, trên dòng suối Nậm Kim có 04 công trình thủy điện hòa vào điện lưới quốc gia đó là: Thủy điện Khao Mang Thượng, Khao Mang Hạ công suất 54MW; Thủy điện Hồ Bốn 18 MW; Thủy điện Mường Kim 13,5 MW.

Nằm khuất bên sườn Tây của dãy Hoàng Liên Sơn, lại ở vị trí xa biển, khí hậu ở Mù Cang Chải có những đặc điểm riêng biệt của khí hậu vùng Tây Bắc. Nhiệt độ trung bình cả năm là 19,6°C, mùa hè cao nhất là 33°C, mùa đông thấp nhất là 00C. Ở vị trí sâu trong nội địa nên Mù Cang Chải chịu ảnh hưởng của thời tiết khô nóng vào thời kỳ đầu mùa hạ, trong các thung lũng của các dãy núi vùng biên giới Việt – Lào, hình thành các hiệu ứng “fơn” (còn gọi là gió Lào) từ phía Tây thổi sang. Bình quân 1 năm có trên 40 ngày khô nóng, trong đó có 10 ngày khô nóng đặc biệt.

Lượng mưa trung bình ở Mù Cang Chải là 1.990mm/năm. Mùa mưa ở đây bắt đầu sớm, từ tháng tư và kết thúc vào tháng chín. Lượng mưa trong mùa mưa chiếm tới 90% lượng mưa cả năm.

Độ ẩm Mù Cang Chải trung bình năm là 55%, vùng rẻo cao là 70 – 75%. Sương mù là một hiện tượng khá phố biến ở Mù Cang Chải trong suốt mùa đông. Do độ ẩm không cao, ít mây nên Mù Cang Chải có nhiều nắng. Số giờ nắng một năm là gần 1.800giờ. Thời kỳ nhiều nắng nhất trong năm là cuối mùa đông và đầu mùa hạ.

Đất đai, thổ nhưỡng Mù Cang Chải được chia làm 4 loại chính, chủ yếu là đất Feralit vàng đỏ phân bổ ở độ cao 900m trở lên và thích hợp cho nhiều loại cây sinh trưởng và phát triển.

2. Lịch sử hình thành

Là một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Yên Bái, trải qua các thời kỳ lịch sử, miền đất Mù Cang Chải có nhiều biến động về địa giới hành chính.

Thời nhà Lý, Mù Cang Chải thuộc châu Đăng. Thời hậu Lê thuộc châu Chiêu Tấn, phủ An Tây trong Thừa tuyên Hưng Hóa.

Năm 1900, thực dân Pháp thành lập tỉnh Yên Bái, đơn vị hành chính Mù Cang Chải ngày nay gồm: Kim Nọi thuộc Châu Than Uyên; Một phần tổng Sơn A thuộc huyện Văn Chấn; Một phần thuộc tổng Nghĩa Lộ (khi đó thuộc Sơn La). Năm 1909, tổng Nghĩa Lộ được nhập vào tỉnh Yên Bái.

Ngày 7 tháng 5 năm 1955, Chính phủ thành lập Khu tự trị Thái – Mèo (sau đổi tên là khu tự trị Tây Bắc). Ngày 18 tháng 10 năm 1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 606-TTg lập Châu Mù Cang Chải trong khu tự trị Thái – Mèo. Châu Mù Cang Chải gồm 13 xã của 3 châu Than Uyên, Văn Chấn, Mường La.

Tham khảo: Ưu đãi cho Famiana Resort & Spa (Resort), Phú Quốc (Việt Nam)

Ngày 12 tháng 1 năm 1959, Ủy ban hành chính khu tự trị Thái – Mèo ra quyết định số 11/QĐTC chia xã Cao Phạ thuộc châu Mù Cang Chải thành 2 xã là Cao Phạ và Nậm Có, xã Hiếu Trai đổi tên là xã Chế Tạo.

Tháng 10 năm 1962, Trung ương Đảng và Quốc hội đã quyết định thành lập các tỉnh ở khu Tây Bắc trực thuộc Trung ương. Các Châu trong khu tự trị đổi thành các huyện trực thuộc các tỉnh. Châu Mù Cang Chải trở thành một huyện của tỉnh Nghĩa Lộ, Châu ủy Mù Cang Chải đổi thành Huyện ủy Mù Cang Chải.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V (tháng 12/1975) đã ra Nghị quyết hợp nhất một số tỉnh gồm các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Nghĩa Lộ (trừ huyện Bắc Yên và huyện Phù Yên của tỉnh Nghĩa Lộ) thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hoàng Liên Sơn, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/2/1976. Huyện Mù Cang Chải là 1 trong 16 huyện thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII, diễn ra từ ngày 27/7 đến ngày 12/8/1991 đã ra Nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Huyện Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái cho đến nay.

3. Địa giới hành chính

Hiện nay, toàn huyện có 13 xã và 1 thị trấn, các xã gồm: Nậm Có, Cao Phạ, Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề, Chế Tạo, Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn và thị trấn Mù Cang Chải.

4. Địa lý nhân văn

Huyện Mù Cang Chải có diện tích tự nhiên là 1.199,08km2; Dân số trên 61.500 người, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 91%. Đầu thế kỷ XVIII, người Mông từ Lào Cai vượt dãy Hoàng Liên Sơn vào cư trú tại Nậm Kim và phát triển sang Mù Cang Chải (Lồng Cống, Lồng Mù). Người Mông coi Lồng Cống, Lồng Mù là “vùng đất tổ” khi chết phải chỉ đường về đây. Nhóm người Mông đầu tiên đến đây thuộc họ Vàng và tiếp đến là các họ Thào, Giàng, Sùng, Cứ, Hớ, Hảng, Mùa, Lý, Phàng, Lầu… trong đó họ Giàng là đông nhất.

Người Mông ở Mù Cang Chải chia thành 4 nhóm chủ yếu: Mông đơ (Mông trắng), Mông đu (Mông đen), Mông lình (Mông hoa), Mông si (Mông đỏ). Sự phân biệt về các nhóm người Mông, ngoài những đặc điểm về y phục thì dựa vào các đặc điểm của ngôn ngữ và phong tục tập quán. Đồng bào Mông thường cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700m, với kinh nghiệm làm ruộng bậc thang và một số nghề thủ công truyền thống như: Nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức…

Tiếng Mông nằm trong dòng Mèo – Dao thuộc ngữ hệ Nam Á. Ngoài tiếng nói, người Mông còn có chữ viết riêng. Do chiếm tỷ lệ đa số nên ở Mù Cang Chải tiếng Mông là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất. Ở các khu vực người Mông cư trú thường không có các tụ điểm văn hóa, thương mại. Trình độ dân trí phần lớn của người Mông còn thấp, đặc biệt là phụ nữ.

Người Mông ở Mù Cang Chải có nền văn hóa dân gian phong phú, phản ánh nhận thức về cuộc sống thực tại gắn với thiên nhiên, khao khát vươn tới cái đẹp, cái thiện, những điều đó được người Mông thể hiện trong làn điệu dân ca như: Tiếng hát tình yêu, cưới xin, ru con, lao động sản xuất…; các phong tục, lễ hội mang những nét đặc sắc riêng của đồng bào như: cưới xin, tang ma… Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ được một kho tàng truyện cổ về các tục lệ, lịch sử tộc người, văn hóa tộc người thể hiện tinh thần thượng võ của cha ông được truyền từ đời này qua đời khác.

5. Tiềm năng kinh tế

Về Nông – Lâm nghiệp: Các yếu tố đất đai khí hậu ở Mù Cang Chải thích hợp với các loại cây á nhiệt đới như: Thông; Sơn Tra; Mận; Chè Shan tuyết; Thảo quả; Đẳng sâm; Hà Thủ ô; Sa nhân…

Xem thêm: 11 khu du lịch sinh thái gần Hà Nội hấp dẫn nhất

Mù Cang Chải có cánh đồng Nậm Khắt lớn nhất với diện tích 270 ha và cánh đồng Cao Phạ, Nậm Có nhỏ hơn là nơi cung cấp nguồn lương thực chủ yếu ở địa phương. Các thửa ruộng bậc thang được dày công khai phá hàng trăm năm nay. Ruộng bậc thang trồng lúa nước ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình ngoạn mục từ chân đến đỉnh đồi như những mâm xôi khổng lồ tạo nên vẻ đẹp riêng hiếm có, đặc sắc của huyện. Hiện nay, toàn huyện có 92.420 ha đất nông – lâm nghiệp, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 14.008,5 ha, đất lâm nghiệp là 78.401,9 ha, đất phi nông nghiệp 1.817,7ha; đất chưa sử dụng 25.550,8ha.

Chăn nuôi gia súc ở Mù Cang Chải khá phát triển, đặc biệt nghề nuôi ong lấy mật là một nghề truyền thống ở địa phương. Mật ong Mù Cang Chải thơm ngon, bổ dưỡng đã trở thành sản vật quý được nhiều người biết đến.

Giao thông vận tải: Mặc dù ở vị trí địa lý xa xôi các trung tâm đô thị lớn, địa hình chia cắt phức tạp, song vấn đề giao thông vận tải của huyện phần nào đã được cải thiện. Trước đây việc đi lại chủ yếu dựa vào hệ thống đường mòn, được sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ và của tỉnh, Quốc lộ 32 Nghĩa Lộ – Mù Cang Chải – Than Uyên (Lai Châu) với chiều dài 70 km chạy trên địa bàn huyện đã được cải tạo, nâng cấp, bước đầu đáp ứng được nhu cầu đi lại, trao đổi thương mại giữa địa phương và các vùng lân cận. Tuyến đường tỉnh lộ 175b, nối Quốc lộ 32 (từ Ngã Ba Kim với xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, thuộc đường cấp 4 miền núi) và Tuyến đường từ huyện đi Chế Tạo dài 35,2 km được bê tông hóa thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển nông lâm sản tới các xã xa trung tâm nhất huyện. Ngoài tuyến đường Quốc lộ, các đường mòn dân sinh cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội. Hiện tại, toàn huyện có 14/14 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã.

Tài nguyên, khoáng sản: Mù Cang Chải, có nguồn tài nguyên đất, nước có khả năng làm thủy điện nhỏ là khá phong phú song khoáng sản ở Mù Cang Chải rất nghèo nàn. Khoáng sản chỉ tập trung ở nhóm vật liệu xây dựng song cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng ở địa phương. Trong lòng đất của các xã Cao Phạ, Nậm Có, La Pán Tẩn có mỏ chì, mỏ bạc, thời thực dân Pháp cai trị, chúng đã tiến hành thăm dò và khai thác. Ngoài ra rải rác một số nơi trong huyện có vàng sa khoáng, thạch anh nhưng trữ lượng không lớn.

Thông tin – liên lạc: Trước đây, thông tin liên lạc ở Mù Cang Chải chủ yếu dựa vào đôi bàn chân con người. Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, tại đây có thể liên lạc trong nước, quốc tế, thuận tiện, dễ dàng qua hệ thống điện thoại, fax, Internet. Bên cạnh đó, mạng lưới bưu chính viễn thông cũng được mở rộng, tại trung tâm huyện lỵ và các xã, thôn bản đã có báo đọc trong ngày.

Về văn hóa – xã hội: Hệ thống giáo dục của huyện được hoàn chỉnh gồm các ngành học, bậc học. Tổng số 39 trường và 01 trung tâm GDNN – GDTX (trong đó có 05 đơn vị trường đạt chuẩn quốc gia), 599 lớp với 19.566 học sinh; phổ cập Mẫu giáo 5 tuổi 14/14 xã, thị trấn; phổ cập giáo dục tiểu học 14/14 xã, thị trấn; phổ cập giáo dục THCS 13/14 xã, thị trấn. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho lĩnh vực văn hóa – xã hội bước đầu được đầu tư nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Mạng lưới y tế: hiện có 20 cơ sở với 133 giường bệnh, 100% số xã có trạm y tế và cán bộ y tế. Bệnh viện đa khoa, phòng y tế, trung tâm y tế và các trạm y tế xã, thị trấn đã cơ bản hoàn thành các chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng, đảm bảo duy trì công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc.

Tiềm năng về du lịch: Mù Cang Chải là huyện vùng cao, nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách thành phố Yên Bái 180km, theo Quốc lộ 32. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang đặc tính ôn đới, cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, 91% dân cư là dân tộc Mông nên nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc.

Đến với Mù Cang Chải dù chỉ một lần du khách cũng cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp của tình người. Đường lên Mù Cang Chải tuy xa và khó khăn song lại rất thú vị, quang cảnh thay đổi liên tục trên đường, du khách chưa kịp ngắm hết những ngôi nhà sàn Thái trên cánh đồng Mường Lò rộng lớn với bạt ngàn hoa ban trắng đã được đến với những con đường quanh co, uốn khúc trên các sườn đồi dốc đứng. Qua đèo Khau Phạ với độ cao 2100m mờ trong sương trắng là tới đất Mù Cang Chải (nơi mà người dân Yên Bái vẫn gọi là “biển mây Khau Phạ”). Từ đây, du khách sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ nét từ thấp đến cao dần khi đến với Mù Cang Chải do phải đi qua đèo này sang đèo khác, núi này qua núi khác với phong cảnh hùng vĩ hai bên đường là những triền ruộng bậc thang làm choáng ngợp lòng người.

Rừng là thế mạnh của Mù Cang Chải với diện tích 82.868ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 60.088,33ha, diện tích rừng trồng 20.240,53 ha và 714,66ha rừng Sơn tra, ngoài ra mận, các loại dược liệu quý như: đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân… cùng nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ nên Mù Cang Chải có khu bảo tồn các loài sinh vật cảnh với trung tâm là xã Chế Tạo và vùng ngoại vi phía Bắc, phía Đông các xã Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt.

Mù Cang Chải có 700 ha ruộng bậc thang trong đó hơn 47% tập trung ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cấp Quốc gia. Không chỉ ở 3 xã này, dừng chân ở bất kỳ nơi đâu vào mùa lúa chín, du khách cũng được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các sườn đồi. Những ruộng bậc thang ấy không chỉ mang lại sự no đủ cho người dân bản địa mà giờ đây còn là cảnh quan làm mê đắm các du khách, điểm nhấn chủ đạo về du lịch cảnh quan, du lịch cộng đồng mang đặc thù rất riêng của Mù Cang Chải.

Bên cạnh đó, Mù Cang Cang Chải còn có nhiều địa điểm có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái như khu du lịch Thác Mơ (thị trấn Mù Cang Chải), suối nước nóng Nậm Khắt, khu vực leo núi các xã Púng Luông, Nậm Khắt, hang động Nậm Khắt, bãi đá cổ xã Lao Chải, Chế Cu Nha, khu du lịch sinh thái Chế Tạo, Nậm Khắt; các khu Du lịch cộng đồng tại Bản Thái thị trấn, La Pán Tẩn, Nậm Có, Cao Phạ, Dế Xu Phình, đặc biệt là địa điểm khai thác du lịch mạo hiểm dù lượn tuyệt đẹp tại đèo Khau Phạ.

Do là nơi quần cư của đông đảo đồng bào dân tộc Mông sống trên các rẻo đồi núi cao, đoàn kết thành cộng đồng thôn bản, nên ở Mù Cang Chải có nền văn hóa dân gian phong phú cới các nghi thức lễ hội gầu tào, lễ cúng cơm mới, lễ cưới hỏi, các lời ru, tiếng hát, điệu khèn, điệu múa, tiếng sao, tiếng khèn… mang nhiều ý nghĩa, chứa đựng tình tứ, ẩn hiện hòa quyện với thiên nhiên đất trời làm say đắm lòng người và thỏa chí tò mò, khám phá cho du khách mỗi khi hòa nhập vào văn hóa của người Mông Mù Cang Chải.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do UBND huyện Mù Cang Chải cung cấp và tham khảo tại trang Thông tin điện tử huyện Mù Cang Chải)

Đang hot: Taxi Mai Linh Hà Nội: số điện thoại, giá cước taxi Mai Linh Hà Nội

20702 lượt xem Ban Biên tập

0 ( 0 bình chọn )

Chuyên trang tin tức, đánh giá, tư vấn homestay ở Việt Nam

https://review.vnhomestay.com.vn
Đặt homestay nhanh nhất, đơn giản nhất xin gọi hotline: 0356 816 765

Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Mới

Xem thêm